(CAO) Những ngày này 10 năm về trước, người dân trong và ngoài nước “choáng váng” trước hung tin hàng trăm ngư dân Quảng Ngãi- Quảng Nam- Đà Nẵng chết, mất tích trên biển trong cơn bão Chanchu được dự báo đi vào bờ nhưng lại “quằn” ngược ra biển.
Trong các địa phương có ngư dân đi biển ở các tỉnh miền Trung, xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) là nơi có nhiều ngư dân bị nạn nhất lên đến 87 người, đặc biệt là thôn Bình Tịnh có 62 người. Giờ đây, thôn Bình Tịnh thường được gọi là “làng Chanchu” mà bất cứ ai, ở đâu khó thể quên được ký ức đau buồn này…
Nhiều ngôi mộ gió được làm tươm tất để thờ cúng
Chúng tôi trở lại Bình Minh, khi ký ức Chanchu vẫn còn vương vấn, sụt sùi trong mỗi căn nhà có người thân nằm lại biển khơi đã mười năm nay. Nhiều ngôi mộ gió đã được xây dựng bia mộ, mờ phai theo thời gian, nhưng ký ức ngày khổ đau vẫn như mới hôm qua.
Nghĩa trang Rừng Tràm của thôn chính là nơi chứng kiến những linh hồn vất vưởng, oan khiên của miền biển nghèo xác xơ…
Bà Nguyễn Thị Nhỏ (60 tuổi) có chồng là ông Nguyễn Hồng Nên 10 năm không trở về từ bão Chanchu. Chồng bà bị nạn ở tuổi 53. Chồng mất, bà chật vật, lặn lội, bươn chải nuôi các con thành người.
“Lúc đó, các tổ chức, cá nhân có đến chia sẻ giúp đỡ nên 5 đứa con của tôi cũng qua được khó khăn. Giờ 4 đứa đã có công việc, còn 1 đứa đang học lớp 6 tôi cũng ráng nuôi lớn rồi có nhắm mắt cũng an lòng”, bà Nhỏ chia sẻ.
Bà tâm sự, mười năm qua vẫn ngóng trông chồng trở về, chưa thôi hy vọng. Quan niệm của người dân, khi nhìn thấy được thi thể thì lúc đó mới tin là mình đã mất người thân thật sự. Bà cũng hiểu, hy vọng chỉ là liều thuốc để an ủi mỗi khi nhớ về người "gối ấp tay kề" bao năm đã bỏ mẹ con mà đi…
Bà Nguyễn Thị Nhỏ cùng con gái út 12 tuổi ra thăm mộ gió của chồng
Chị Nguyễn Thị Thang (45 tuổi, thôn Hà Bình) thắp lên bàn thờ chồng nén hương rồi dẫn chúng tôi ra ngôi mộ gió cách nhà gần 1km. Thảm họa Chanchu khiến gia đình chị “đắm” theo. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Lộc “ra đi” lúc 36 tuổi, là máy trưởng tàu cá cho người thân trong xóm. Anh Lộc là lao động chính nuôi cả gia đình có vợ và 4 người con.
“Những ngày ấy, cả xã hồi hộp chạy đến nhà chủ tàu để nghe Icom báo về. Không ai tin bão Chanchu lại đuổi theo những tàu cá đã ngược lên phía Bắc để tránh. Cuối cùng, tin dữ cũng báo về, hàng chục người trong xã bỏ mạng ngoài biển, ai cũng “hồn bay phách lạc”, chị Thang lau dòng nước mắt kể lại.
Không tìm thấy thi thể của chồng, chị Thang lập một ngôi mộ gió để có nơi ra thăm viếng, thắp nhang cho lòng khuây khỏa.
Trụ cột trong nhà mất đi, chị như chống chếnh giữa cuộc đời, một mình nuôi 4 con nhỏ. “Mỗi ngày trôi qua, tôi vẫn trông chờ ổng về dù biết là không thể. Tôi cứ nghĩ chồng mình đang đi biển và sẽ trở về chứ không nghĩ ổng đã chết, vì ổng chết là có thi thể thì lúc đó tôi mới tin là sự thật”, chị Thang tâm sự.
Theo ông Trần Văn Tám, Phó Chủ tịch xã Bình Minh, trong thảm họa Chanchu, xã có 87 người bị chết, trong đó có 50 ông chồng, 37 người con; trong số đó đã có 7 người tìm được thi thể. Cuộc sống của gia đình có ngư dân chết, mất tích gặp khó khăn nhưng được tổ chức, cá nhân hỗ trợ giúp đỡ vật chất, tinh thần cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nên con cái các nạn nhân đều được đi học và được cấp học bổng nên cơ bản đã tạm ổn.
“Địa phương cũng rất quan tâm đến các gia đình này, tạo điều kiện cho họ vào các xí nghiệp, cơ sở làm công nhân để đảm bảo cuộc sống. Đến nay tỉ lệ hộ nghèo của các hộ Chanchu còn chưa đến 10% và sẽ giảm nữa trong thời gian tới.”, ông Tám nhấn mạnh.
Ngày 18-5-2006, cơn bão Chanchu từ Philippenes đổ bộ vào biển Đông, tiến vào vùng biển miền Trung. Hàng ngàn ngư dân đang đánh bắt trên biển chạy lên phía Bắc tránh bão nhưng không may, cơn bão Chanchu không đổ bộ vào đất liền mà “bám” theo tàu ngư dân miền Trung. Hàng trăm ngư dân, hàng chục tàu thuyền mất tích, chìm trên biển, trong số đó rất ít người tìm được thi thể. Ngày 20-21/4 âm lịch hàng năm là ngày kỵ giỗ nạn nhân đồng loạt tại xã Bình Minh cũng như một số địa phương khác. |