(CAO) Từ khi lấy chồng, sinh con, đã ba cái tết liên tiếp chị Trang phải ở lại Sài Gòn. Đối với những người công nhân như chị Trang, về quê đón Tết là chuyện lãng phí và xa xỉ.
Xa xôi đường về quê nhà
Khác với không khí nô nức lan khắp mọi phố phường Sài Gòn những ngày giáp Tết, trong căn nhà trọ nhỏ chưa đầy 15m2, chị Nguyễn Thị Duyên (Quê Hà Tĩnh) cùng chồng đang cặm cụi gia công thêm một số mặt hàng để kiếm thêm tiền tiêu Tết. Chị cho biết: “Tết đối với những người công nhân cũng như ngày bình thường thôi. Đã 3 cái Tết liên tiếp vợ chồng chị ở lại Sài Gòn”.
Người công nhân rơi nước mắt khi nhắc về gia đình trong dịp Tết
Cả hai vợ chồng chị Duyên đều là công nhân, lương ba cọc ba đồng, chỉ đủ trả tiền phòng trọ và ăn uống hàng ngày. Từ khi có đứa con đầu lòng, cuộc sống càng trở nên eo hẹp hơn. Mỗi lần con ốm, con đau phải nhập viện, lại ngốn thêm một khoản tiền lớn. Làm lụng tất bật cả năm, nhưng đến ngày Tết, anh chị cũng không kiếm đủ tiền để mua vé máy bay về nhà. “Anh chị cũng cố gom tiền để mua vé máy bay nhưng đắt quá. Hai vợ chồng cùng con nhỏ tính sơ sơ tầm 20 triệu tiền vé máy bay, rồi còn tiền quà cáp ông bà hai bên nữa. Đi tàu xe thì con còn nhỏ quá. Tính đi tính lại, anh chị quyết định đón Tết ở Sài Gòn. Cứ thế này mãi, chẳng biết bao giờ mới về thăm được quê hương”, chị bùi ngùi chia sẻ.
Tết xa nhà đầu tiên của em bé con chị Duyên (Hà Tĩnh)
Cách phòng trọ chị Duyên không xa là vợ chồng anh Lê Văn Toàn (Quê Nghệ An). Đây là lần đầu tiên vợ chồng anh ở lại Sài Gòn đón Tết. Bên mâm cơm đạm bạc ngày cuối năm, chị Lan, vợ anh cho biết: “Lúc còn sinh viên, năm nào cũng hăm hở về quê đón Tết. Từ lúc lập gia đình đến giờ, về quê đón Tết là chuyến đi xa xỉ. Bố mẹ ở nhà cũng thông cảm và gọi điện vào động viên nhưng thú thực là mấy đêm liền, đêm nào nằm cũng khóc vì nhớ nhà”.
Cả dãy trọ gần 20 phòng, chỉ còn sót lại vài ba gia đình hiu hắt và vắng vẻ. Đường về quê nhà đối với họ xa xôi hơn bao giờ hết.
Mưu sinh dịp Tết
Lang thang ở nhiều dãy trọ, ký túc xá sinh viên chiều cuối năm, tôi thấy thấp thoáng nhiều bạn trẻ cũng ở lại Sài Gòn ăn Tết. Lân la dò hỏi, mới biết được rằng, dịp Tết là thời điểm để các sinh viên kiếm thêm tiền làm thêm trang trải cho việc học.
Em Nguyễn Tiến Hoàng (Đại học Giao thông vận tải TP.HCM) chia sẻ: “Tết đến nhiều chỗ mướn người làm với giá cao nên em tranh thủ ở lại, kiếm tiền để sang kỳ hai nộp tiền học phí, đỡ đần gia đình. Gọi điện về nhà chúc Tết thấy thương cha, thương mẹ đến thắt ruột gan. Những ngày này, thèm được sum vầy bên gia đình. Trên Facebook, không khí Tết tràn ngập nơi nơi. Em thì trơ trọi trong căn phòng trọ và nghĩ về gia đình, về Tết”. Nói rồi, em nhanh chóng chuẩn bị đồ đoàn để đến chỗ làm thêm. Nhìn dáng em tất tưởi trong nắng chiều, tự dưng tôi thấy nghèn nghẹn trong lòng.
Đối với họ những người công nhân hay sinh viên nghèo, Tết xa nhà trở thành nỗi buồn thường trực trong tâm khảm. Họ luôn đau đáu hướng về quê với những niềm thương, nỗi nhớ khôn nguôi.