Dạy liên kết trong trường công: Vì quyền lợi của người lớn hay học sinh?

Thứ Hai, 16/10/2023 08:27

|

(CATP) Sau khi loạt bài chống lạm thu trong trường học đăng trên Chuyên đề Công an TPHCM, nhiều bạn đọc đã lên tiếng ủng hộ và hiến kế chống lạm thu rất hay. Trong các ý kiến đó, có nhiều ý kiến gay gắt về việc dạy liên kết, chèn vào chương trình chính khóa. Có ý kiến cho rằng việc dạy như vậy là vì "quyền lợi của người lớn" chứ không phải vì học sinh.

Siêu lợi nhuận

Theo phản ánh của phụ huynh (PH), các chương trình liên kết như dạy kỹ năng sống, nghệ thuật, võ thuật, tiếng Anh với người bản ngữ, STEM... đang bị chèn vào giờ học chính khóa. Điều đáng nói là gần như các trường học buộc học sinh (HS) phải học.

Thử phân tích một trường hợp dạy tiếng Anh ngoại khóa ở một trường tiểu học trên địa bàn Q.Gò Vấp, TPHCM mà bạn đọc gửi cho chúng tôi, với lời nhắn: "Chuyện lạm thu ở các trường công đã là chuyện khá "lạc hậu" khi họ chẳng thu được bao nhiêu. Tuy nhiên, khi cái vòi này có nguy cơ bị chặt đứt thì ngay lập tức đã mọc ra một cái vòi khác với mức độ cao hơn và tinh vi hơn nhiều lần. Đó là việc dạy liên kết giữa các nhà trường và các trung tâm".

Theo vị PH này, chỉ riêng các khoản học thêm ngoại khóa này đã là 930.000 đồng/tháng với HS lớp 2, mà theo thông báo của nhà trường là đã chọn mức giá thấp nhất. Vấn đề ở đây chưa phải ở mức học phí, mà điều quan trọng nằm ở chỗ nhà trường bắt buộc tất cả HS bán trú phải tham gia môn học.

Sẽ không là vấn đề nếu PH bỏ tiền ra để con em mình học tập theo đúng nghĩa của nó. Rất tiếc là thực tế lại không phải như vậy. PH này dẫn chứng, về môn tiếng Anh (thông qua môn Toán và Khoa học) với học phí khoảng 500.000 đồng/tháng, nhưng chất lượng dạy mới là điều đáng lo. Làm sao dạy hiệu quả với một lớp có sĩ số từ 40-50 HS lại có trình độ chênh lệch nhau. Và đương nhiên, lên lớp càng cao thì khoảng cách chênh lệch này càng lớn vì có khá nhiều PH không tin tưởng vào việc giảng dạy môn Anh văn trong nhà trường, đã tự tìm cho con mình lớp học ngoại ngữ ở các trung tâm khác.

Phái đoàn tình nguyện viên Heroes for Life của Israel dạy tiếng Anh miễn phí tại Trường tiểu học Sa Pa, Lào Cai

Nếu đọc qua về 2 cuốn giáo trình "Amazing science" và "Math in my world" (sách dạy Toán cho học sinh lớp 1 bằng Tiếng Anh) hiện đang được phần lớn các trường sử dụng, đặc biệt là với cuốn "Amazing science" sẽ thấy rõ sự ngớ ngẩn của nó. Các câu được dạy không theo một hệ thống nào cả và không có tính lặp lại, thì liệu rằng sau một năm học sẽ còn đọng lại trong HS những gì?

PH đặc biệt lo lắng chất lượng của các trung tâm dạy tiếng Anh này và các giáo viên (GV) đứng lớp có được ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) kiểm định chất lượng chưa? Và với chất lượng như vậy, thì liệu rằng nếu mở trung tâm bên ngoài có ai theo học?

Về học phí, PH này phân tích: Mới nhìn qua mức học phí khoảng hơn 500.000 đồng/tháng mỗi tuần học 2 tiết (1,5 giờ) cứ tưởng là khá rẻ, nhưng khi phân tích thì mới hiểu. Với 1 học viên VUS (Anh văn Hội Việt - Mỹ, một trung tâm dạy tiếng Anh khá có tiếng ở TPHCM), mức học phí hiện nay khoảng 2.600.000 đồng/tháng/HS cho 4 giờ học/tuần (các lớp Stater, Mover), tức khoảng 900.000 đồng/1,5 giờ học/tháng/HS. Với các lớp học VUS thì cơ cấu 1 lớp chỉ khoảng 12-13 HS/lớp, tính ra doanh thu 1 lớp khoảng 11.500.000đồng/1,5 giờ/tháng/lớp. Từ đó, hãy tính doanh thu các lớp học Anh văn dạy liên kết: Với mức học phí trên thì doanh thu 1 tháng của một lớp 50 HS là 25.000.000 đồng nhưng chỉ học 1,5 giờ/tuần, trong khu VUS dạy 4 tiết/tuần.

Và đó là siêu lợi nhuận, vì sao? Ví dụ với trung tâm VUS người ta phải tự đầu tư từ A đến Z, từ mặt bằng đến trang thiết bị dạy học, nhân viên quản lý học viên, nhân viên và chi phí tiếp thị, chăm sóc khách hàng (chứ không phải làm theo kiểu "lùa gà”, bắt buộc phụ huynh ký cam kết "tự nguyện"). Lợi nhất là dạy tiếng Anh chèn vào chương trình chính khóa ở trường công cho lớp 1 và 2, không tốn phí đầu tư cơ sở vật chất. Quan trọng nhất, các trung tâm dạy tiếng Anh như VUS, APOLO, ILA... đều có cam kết về chất lượng. Nếu học viên không theo kịp họ sẽ có trách nhiệm phụ đạo. GV của họ phải đạt chuẩn và các bằng cấp liên quan của các GV đứng lớp đều được công khai trên bảng tin.

So sánh như vậy để thấy mức lợi nhuận của chương trình này ở trường công lớn như thế nào và tại sao nhà trường quyết tâm tìm cách bắt các HS của mình phải tham gia lớp học này như vậy (trong phiếu gửi cho PH, nhà trường đã ghi sẵn: "Tôi tự nguyên đăng ký tham gia các nội dung sau...).

Phiếu đăng ký tham gia các hoạt động ngoài giờ chính khóa của một trường tiểu học ở Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: TTXVN

Điều đáng nói là chưa bao giờ nhà trường công khai thông báo rằng đây là chương trình "tự nguyện" hay "bắt buộc". Nhà trường chỉ tự đưa ra thời khóa biểu với các môn học này để PH tự mặc định hiểu rằng đây là các môn học bắt buộc. Thực tế khi khảo sát, khá nhiều PH đều cho rằng đây là môn học bắt buộc, trước hết với HS bán trú. Khi PH hỏi: "Đây là các môn học tự nguyện hay bắt buộc" thì GV chủ nhiệm trả lời: "Đây là các môn học bắt buộc" vì "ai cũng tham gia"(?). Nhưng với câu hỏi tiếp theo: "Nếu là môn học bắt buộc thì tại sao phải yêu cầu PH ký vào các phiếu đăng ký” thì GV chủ nhiệm không trả lời được.

Chỉ phân tích 1 môn chèn vào chương trình chính khóa ở cấp 1 cũng cho thấy còn quá nhiều bất cập và buộc PH phải nghĩ rằng, việc dạy liên kết chèn vào chương trình chính khóa ở trường công thực ra không vì quyền lợi của HS mà vì quyền lợi của người lớn.

Nguyên tắc dạy các môn ngoại khóa

Việc dạy ngoại ngữ ở cấp 1, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn 3818/BGDĐT-GDTH ngày 31/7/2023 hướng dẫn tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ 1 cấp tiểu học. Theo đó, môn Ngoại ngữ 1 là môn học tự chọn ở lớp 1, lớp 2 và bắt buộc ở lớp 3, lớp 4 và 5, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình Ngoại ngữ 1 tự chọn môn tiếng Anh. Các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức dạy học theo thẩm quyền quy định.

Bộ GD-ĐT hướng dẫn tổ chức thực hiện dạy học các môn Ngoại ngữ 1 cấp tiểu học, cụ thể như sau: Ngoại ngữ 1 tự chọn ở lớp 1 và lớp 2. Khi thực hiện dạy học tự chọn Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2 cần chú ý bảo đảm tính liên thông với môn ngoại ngữ thực hiện bắt buộc từ lớp 3; thời lượng dạy học phù hợp với hình thức học làm quen ban đầu, không gây quá tải cho HS; thực hiện kiểm tra đánh giá, trong đó chú trọng đánh giá thường xuyên để hỗ trợ học tập, không dùng kết quả đánh giá để xét lên lớp; việc học Ngoại ngữ 1 tự chọn ở lớp 1, lớp 2 phải được thể hiện trong kế hoạch giáo dục của nhà trường theo quy định. Đối với môn tiếng Anh, sử dụng sách giáo khoa (SGK) trong danh mục SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Khuyến khích các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện trong dạy và học ngoại ngữ bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại địa phương để tăng thời lượng và tạo môi trường đa dạng trong dạy học, nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT các địa phương thực hiện các giải pháp tuyển dụng, kí hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái GV và các giải pháp đa dạng khác theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để có đủ GV dạy học môn Ngoại ngữ 1 theo quy định. Tổ chức bồi dưỡng GV theo nội dung, chương trình, kế hoạch đã được Bộ GD-ĐT ban hành; bảo đảm GV được bồi dưỡng về chương trình môn học, tập huấn sử dụng SGK trước khi được phân công giảng dạy. Quy định của Bộ GD-ĐT là vậy nhưng các địa phương làm khác đi, đặc biệt là tính tự nguyện và SGK.

Gần đây, nhiều trường công đã đưa các môn liên kết vào dạy cho HS trong chương trình chính khóa, khiến PH phản ứng. Trước tình hình đó, Bộ GD-ĐT phải lên tiếng, yêu cầu tăng cường quản lý, chấn chỉnh, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu của người học.

Theo Bộ GD-ĐT, mục tiêu của việc thiết kế học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học không phải tạo điều kiện cho các nhà trường kết hợp với đơn vị liên kết đưa môn học, hoạt động giáo dục ngoài chương trình vào giờ học chính khóa rồi buộc HS, PH phải đăng ký học và trả tiền.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, các môn Ngoại ngữ (từ lớp 3 là bắt buộc), Tin học, Khoa học, hoạt động trải nghiệm... là các môn/hoạt động giáo dục bắt buộc với đầy đủ chương trình, SGK, tài liệu dạy học. Do vậy các trường không cần thiết phải tổ chức liên kết để dạy các môn này. Việc tăng thời gian học ở trường là để HS có điều kiện tham gia các hoạt động về thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, trải nghiệm nhằm phát triển toàn diện chứ không phải để tăng giờ cho các môn cơ bản như toán, văn, ngoại ngữ... làm tăng áp lực cho HS và tăng chi phí học tập với PH.

Căn cứ vào quy định này, việc bắt buộc HS lớp 2 học tiếng Anh với trung tâm liên kết như vậy là sai quy định. Dạy liên kết trong trường học dưới danh nghĩa "tự nguyện bắt buộc" làm cho PH bức xúc, mà bức xúc lớn nhất là chất lượng dạy và học.

Nhiều PH cho rằng, cần một cuộc tổng rà soát đánh giá thực trạng này, đừng để các cương trình liên kết tạo ra các quyền lợi cho người lớn chớ không cho HS.

Để bảo đảm sức khỏe cho HS tiểu học, theo quy định của Bộ GD-ĐT, hiện nay với cấp tiểu học, chương trình chính khóa của lớp 1, lớp 2 là 25 tiết/tuần; lớp 3 là 28 tiết/tuần; lớp 4, lớp 5 là 30 tiết/tuần. Định mức GV tiểu học là 23 tiết/tuần. Mỗi tiết học của HS tiểu học không quá 35 phút.

Bình luận (0)

Lên đầu trang