(CATP) Trung Quốc hôm 13-5-2015 bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước tin Mỹ đang cân nhắc phái tàu và máy bay của lực lượng hải quân tới áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi lấp phi pháp ở biển Đông. Quan hệ Washington-Bắc Kinh vì thế đang trở nên cực kỳ căng thẳng.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đang tiến hành chương trình cải tạo và bồi lấp đất khổng lồ ở biển Đông, biến những vỉa đá ngầm, san hô chìm thành các đảo nhân tạo có khả năng trở thành bãi hạ cánh máy bay và cơ sở quân sự. Động thái này của Bắc Kinh đang được Mỹ theo dõi sát với lo ngại về tự do hàng hải tại biển Đông bị một bên đơn phương ngăn chặn.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Obama đã phát biểu rằng, Trung Quốc đang sử dụng “sức mạnh cơ bắp” để ức hiếp các quốc gia nhỏ hơn phải chấp nhận tuyên bố chủ quyền của họ ở những vùng biển đang tranh chấp. Nhưng các chuyên gia nói một loạt phản đối miệng từ Mỹ chẳng khác gì “nước đổ lá khoai” và Nhà Trắng đang cố gắng tìm cách khác để kiềm chế Trung Quốc mà không làm leo thang căng thẳng quân sự.
“Cải tạo đất... chắc chắn vi phạm tuyên bố của chính Trung Quốc rằng, họ là một láng giềng tốt và một nước lớn ôn hòa, không đe dọa”, Daniel Russels, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á nói với Washington Post.
Hình ảnh Đá Chữ Thập (trước khi bồi lấp-bên trên) và sau khi Trung Quốc bơm cát bồi lấp (ảnh dưới) - Ảnh: CNES 2014/Distribution Airbus DS/IHS
Ngoại trưởng Mỹ John F. Kerry sẽ đến Bắc Kinh vào ngày mai (16-5-2015), và một cuộc đối thoại cấp cao giữa hai nước đã được xếp lịch vào tháng sáu ở Washington để “mở đường” cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm Mỹ vào tháng chín. Ông Russels lạc quan rằng vẫn còn nhiều con đường ngoại giao để gây ảnh hưởng đến việc ra quyết định của Bắc Kinh. Ông nói với Washington Post: “Chúng tôi đang tìm kiếm những lựa chọn khả thi... trong trường hợp thuyết phục và ngoại giao không hiệu quả”.
Một trong những lựa chọn mà ông Russels đề cập đã được tạp chí Phố Wall đăng tuần này, đó là điều tàu và máy bay hải quân Mỹ tới gần những vùng Trung Quốc đang cải tạo đất ở biển Đông, nhằm chứng minh các nguyên tắc tự do hàng hải và nhấn mạnh Mỹ không chấp nhận những yêu sách trên biển của Bắc Kinh - ngay cả khi họ không tán thành các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia đối thủ. Tuy nhiên, các quan chức nói chính quyền Obama chưa quyết định triển khai ngay tàu và máy bay gần các đảo nhân tạo.
Các nhà phân tích chính sách ngoại giao và quân sự ở Bắc Kinh, Washington và Manila nói về bản chất, những hành động của Mỹ sẽ không ép buộc Trung Quốc phải ngừng các công việc cải tạo đất, xây dựng cơ sở quân sự, giám sát và tiến hành các việc khác trên mảnh đất được tôn tạo. Nhưng họ nói điều đó có thể được xem như một cách gửi tín hiệu mạnh mẽ hơn tới Bắc Kinh và tái đảm bảo với các đồng minh và đối tác châu Á về cam kết an ninh khu vực của Obama.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đang yêu cầu Mỹ làm sáng tỏ ý tưởng của họ. Tân Hoa xã dẫn lời bà Hoa cảnh cáo Mỹ hãy ngừng các hành động được coi là “khiêu khích”. Các nhà phân tích dự đoán có lẽ Trung Quốc sẽ phản ứng với những hành động như vậy bằng cách đưa tàu bảo vệ dân sự tuần tra trên biển để chống lại các tàu chiến của Mỹ trong một mưu toan nhằm chứng minh Mỹ là kẻ bắt nạt.