(CAO) Sau hai tháng kiên cường kháng cự, những binh lính còn sống sót cuối cùng của Na Uy và Anh buộc phải đầu hàng trước sức mạnh áp đảo của quân đội Đức Quốc xã
Hai tháng trước, vào ngày 9-4, Đức Quốc xã bắt đầu cuộc xâm lược Na Uy và đánh chiếm một số địa điểm chiến lược dọc theo bờ biển Na Uy. Trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược, lực lượng phát xít Na Uy dưới quyền Vidkun Quisling là ‘cánh tay phải’ đắc lực hỗ trợ quân xâm lược Đức.
Binh lính Đức bắt đầu đổ bộ lên Na Uy vào ngày 9-4.
Lực lượng của Vidkun Quisling đã chiếm đóng căn cứ quân sự, các thành phố quan trọng của Na Uy và lan truyền nhiều tin đồn sai sự thật. Vidkun Quisling từng là bộ trưởng quốc phòng Na Uy từ năm 1931 đến 1933. Vào năm 1934, Vidkun Quisling tự thành lập đảng Nasjonal Samling (còn gọi là Đảng Thống nhất Quốc gia), tương tự như Đảng Quốc xã của Adolf Hitler.
Dưới sự giúp sức của Vidkun Quisling, quân Đức nhanh chóng chiếm được nhiều căn cứ quân sự, thành phố quan trọng.
Dù Na Uy đã tuyên bố sẽ là nước trung lập trong thế chiến II, tuy nhiên Đức Quốc xã quyết chiếm đóng Na Uy vì nước này có vị trí chiến lược và có tiềm năng kinh tế. Đầu năm 1940, Vidkun Quisling đến Berlin để gặp các quan chức của Đức Quốc xã, bàn về việc chinh phục Na Uy.
Dưới sức mạnh áp đảo của quân Đức, Na Uy nhanh chóng thất thủ.
Vào ngày 9-4, quân Đức bất ngờ nổ súng xâm lược và chỉ vỏn vẹn trong vòng 2 tháng, Đức đã thành công chinh phục Na Uy dưới sự giúp sức của Vidkun Quisling. Sau 2 tháng kiên cường chiến đấu, 1.335 binh lính Na Uy thương vong, 1.869 binh lính Anh thiệt mạng, Pháp và Ba Lan mất 533 binh sĩ. Ngày 9-6-1940, Na Uy đầu hàng Đức Quốc xã, việc Na Uy thất thủ đã khiến lực lượng quân đồng minh phải rút lui khỏi đất nước này.
Binh lính Đức tiến vào Narvik.
Vidkun Quisling được Đức Quốc xã hậu thuẫn và thành lập một chính phủ bù nhìn tại Na Uy. Sau khi Đức Quốc xã đầu hàng vào năm 1945, Quisling đã bị đưa ra xét xử với các tội danh phản quốc, giết người và bị xử bắn.