(CAO) Hôm 17-7, CNN đưa tin nham thạch chảy ra từ núi lửa Kilauea ở bang Hawaii, Mỹ khi gặp nước biển đã “cô đặc” lại thành một hòn đảo dung nham ngoài khơi bờ biển. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này đang thu hút sự quan tâm của giới khoa học.
Hòn đảo nham thạch này xuất hiện vào hôm 16-7 ở ngoài khơi đảo lớn của bang Hawaii. Chính áp lực dưới mặt nước đã đẩy dung nham chảy xuống đáy biển trồi lên bề mặt hình thành lên hòn đảo.
Nếu núi lửa tiếp tục hoạt động mạnh, dòng dung nham sẽ nối hòn đảo với bờ biển gần đó tạo thành một đê nham thạch vững chãi. Nếu tần suất phun ít hơn trong những ngày tới, nước biển sẽ tràn qua dòng dung nham tạo ra khoảng cách giữa đảo dung nham với bờ biển.
Núi lửa Kilauea phun trào từ tháng 5 năm nay gây ra xáo trộn cho cuộc sống ở bang Hawaii. Tuy nhiên nó cũng tạo ra những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú để nghiên cứu.
Đảo dung nham hình thành ngoài khơi bờ biển Hawaii do núi lửa phun - Ảnh: USGS
Hiện tượng núi lửa phun dung nham tràn ra biển thường được bắt gặp ở nhiều nơi, trong đó có danh thắng Gành đã đĩa ở Phú Yên (Việt Nam). Ở Việt Nam hiện tượng dung nham tạo thành đảo ngoài khơi cũng từng xảy ra ở ngoài khơi tỉnh Bình Thuận năm 1923 tạo thành đảo Hòn Tro.
Do là đảo dung nham, kết cấu không vững chắc nên cùng năm đảo này đã bị sóng biển đánh tan, chìm xuống đáy biển.
Cận cảnh hòn đảo dung nham - Ảnh: USGS
Nham thạch chảy tràn trên đảo - Ảnh: USGS