(CAO) Mới đây các nhà khoa học đã phát hiện ra những dấu hiệu đáng lo ngại và đáng báo động ở Nam Cực, đặc biệt là ở một trong những thềm băng bảo vệ cái gọi là "sông băng Ngày tận thế" của Nam Cực.
Các hình ảnh vệ tinh được chụp gần đây vào tháng trước, được các nhà nghiên cứu trình bày tại cuộc họp thường niên của Liên minh Địa vật lý Mỹ hôm 13-12 cho thấy thềm băng quan trọng trấn giữ đoạn cuối cùng của sông băng Thwaites ở phía tây Nam Cực có thể bị vỡ trong 3 đến 5 năm tới.
Sông băng Thwaites của Nam Cực được gọi là "sông băng Ngày tận thế", do nguy cơ nghiêm trọng mà nó gây ra trong quá trình tan chảy. Nó đã đổ hàng tỷ tấn băng xuống biển và sự tan rã của nó có thể dẫn đến những thay đổi không thể đảo ngược trên khắp hành tinh.
Sông băng này có diện tích bằng bang Florida hoặc Vương quốc Anh, đã chiếm khoảng 4% mực nước biển dâng toàn cầu hàng năm. Nó đã mất khoảng 50 tỷ tấn băng mỗi năm và đang trở nên rất dễ bị tổn thương do khủng hoảng khí hậu. Sự tan rã của thềm băng có thể kéo theo sự tan băng sắp xảy ra của sông băng quan trọng ở Nam Cực.
Sông băng Thwaites ở Nam Cực - Ảnh: CNN
Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu Thwaites tan rã. sự kiện này có thể làm mực nước biển dâng cao thêm vài feet, khiến các cộng đồng ven biển cũng như các đảo quốc ở vùng trũng gặp nguy hiểm hơn nữa.
Tuy nhiên, Ted Scambos - một nhà băng học tại Đại học Colorado Boulder và là lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Thwaites Glacier, cho biết sẽ còn nhiều thập kỷ nữa thế giới mới chứng kiến sự tăng tốc thực sự và mực nước biển dâng cao hơn nữa.
Scambos nói với CNN: “Điều thu hút sự chú ý đối với Thwaites là sự thay đổi sẽ diễn ra với những kết quả khá ấn tượng, có thể đo lường được trong vài thập kỷ tới”.
Hiện tại, sông băng đang được giữ lại bởi một thềm băng nổi quan trọng.
Peter Davis, nhà hải dương học thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, nói với CNN: "Điều đáng lo ngại nhất về kết quả gần đây là nó chỉ ra sự sụp đổ của thềm băng này – vốn là một đai an toàn giữ băng trên đất liền. Nếu chúng ta mất thềm băng này, thì sông băng sẽ chảy vào đại dương nhanh hơn, góp phần làm mực nước biển dâng cao".