Gọi vốn cộng đồng giúp người nghèo ở Ấn Độ điều trị Covid-19

Thứ Tư, 28/07/2021 14:00

|

​(CAO) Hôm 28-7, BBC đưa tin nhiều người dân Ấn Độ chuyển sang kêu gọi vốn từ cộng đồng thông qua các nền tảng trực tuyến để thanh toán các hóa đơn điều trị Covid-19 ngoài sức chi trả của họ.

Supraja Reddy Yeruva đã không thể thở bình thường trong nhiều ngày sau khi sinh đứa con thứ hai của cô vào tháng 6. Cô gái 27 tuổi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng Covid-19 khi mang thai, ngay sau khi đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Chẳng bao lâu sau, cô bị nhiễm trùng phổi nặng và được đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện tư nhân ở thành phố Hyderabad, miền nam nước này. Một tháng trôi qua, cô ấy vẫn còn nằm ở đó.

Với con gái 6 tuổi và con trai mới sinh, chồng cô, Vijaya Yeruva, hiện đang lo lắng chờ đợi sự hồi phục của cô.

Chồng cô - ông Yeruva cũng đang cố gắng trả một hóa đơn y tế gần 6 triệu rupee (80.615 USD) để điều trị cho vợ mình. Và số tiền tăng lên theo ngày.

Ông đã sử dụng bảo hiểm y tế của mình, sử dụng tối đa thẻ tín dụng và vay ngân hàng. Sau khi cạn kiệt mọi lựa chọn khác, người đàn ông 35 tuổi này đã chuyển sang Ketto, một nền tảng huy động vốn từ cộng đồng và khởi động một đợt gây quỹ.

Yeruva là một kỹ sư có thu nhập hàng năm ổn định nhưng khiêm tốn khoảng 1.076 USD cho biết ông chưa bao giờ tưởng tượng ra việc xin tiền của người lạ.

"Tôi đã làm việc chăm chỉ để hỗ trợ gia đình và không bao giờ nhờ ai giúp đỡ", anh nói. "Ngay cả bây giờ, tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi nói với mọi người về đợt gây quỹ này".

Sự tuyệt vọng của ông phản ánh hoàn cảnh của hàng nghìn gia đình Ấn Độ hiện đang phải đối mặt với thiệt hại tài sản từ làn sóng Covid-19 thứ hai tàn phá Ấn Độ khiến họ nợ y tế ngập đầu. 

Những bình oxy y tế được vận chuyển để dùng cho các bệnh nhân Covid-19 - Ảnh: AFP

Nhiều người đã chuyển sang huy động vốn cộng đồng để trang trải các hóa đơn bệnh viện - và nó nhanh chóng nổi lên như một sự thay thế cho bảo hiểm y tế và hỗ trợ của chính phủ.

Các chuyên gia cho biết ba trong số các trang web huy động vốn cộng đồng lớn nhất - Ketto, Milaap và Give India - đã quyên góp được khoảng 161 triệu USD với sự giúp đỡ của 2,7 triệu nhà tài trợ cho đến nay trong đại dịch.

Ketto, nơi ông Yeruva phát động đợt gây quỹ của mình, cho biết lượng vốn nhận được thông qua nền tảng này đã tăng gấp 4 lần trong cả hai đợt, huy động được hơn 40 triệu USD cho khoảng 12.000 chiến dịch cứu trợ Covid-19

Ravina Banze và Irfan Bashir, đồng tác giả của cuốn sách Crowdfunding: The Story of People (Gọi vốn cộng đồng: Câu chuyện của người dân) cho biết: “Trong nhiều trường hợp, huy động vốn từ cộng đồng đã trở thành một mạng lưới an toàn thay thế để lấp đầy những lỗ hổng hiện có trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, nhu cầu huy động vốn từ cộng đồng lớn nhất vẫn hiển hiện trong cuộc sống của hàng triệu người bệnh ở Ấn Độ.

Theo một nghiên cứu năm 2018 của British Medical Journal và Public Health Foundation of India (PHFI), chi phí chăm sóc sức khỏe từ tiền túi đã khiến 38 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói trong giai đoạn 2011-2012.

Không có dữ liệu về việc có bao nhiêu người khác bị đẩy đến mức bần cùng do nợ y tế trong đại dịch, nhưng một nghiên cứu sơ bộ của Viện Y tế Toàn cầu Duke và PHFI ước tính rằng 2/3 số lao động tự do của Ấn Độ và một nửa lực lượng lao động làm công ăn lương của họ không thể đủ khả năng chi trả cho chăm sóc y tế quan trọng.

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Azim Premji, gánh nặng rơi vào vai những người nghèo nhất Ấn Độ, một nhóm mà năm ngoái đã tăng thêm 230 triệu người ở nước này. Hơn 90% đã vay số tiền trung bình là 201 USD để trả nợ.

Chi tiêu công của Ấn Độ cho chăm sóc sức khỏe chỉ chiếm 1,2% GDP - đây là một trong những mức thấp nhất trên thế giới, với khoảng 2/3 dân số Ấn Độ không có bảo hiểm y tế.

Ông Bashir nói: “Gặp phải các trường hợp khẩn cấp y tế bất ngờ là nguyên nhân dẫn đến thảm họa khi hầu hết mọi người phải sống dưới mối đe dọa thường xuyên về bất ổn tài chính”.

Vào năm 2018, Thủ tướng Narendra Modi đã hứa bảo hiểm miễn phí cho nửa tỷ công dân nghèo nhất của Ấn Độ bằng cách tung ra "Modicare", chương trình bảo hiểm y tế lớn nhất thế giới.

Nhưng một phân tích của Proxima Consulting cho thấy chỉ 13% những người đủ điều kiện theo chương trình có thể yêu cầu bảo hiểm khi nhập viện để điều trị Covid-19 tại các bệnh viện công và tư.

Chương trình này cũng không bao gồm chi phí ngoại trú, chiếm một phần lớn chi phí y tế.

Tại thành phố Nagpur, Chinmayi Hiwase đã phải đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để xin ôxy và một chiếc giường trống cho người cha 57 tuổi của cô, Rajesh Hiwase. Cô nghĩ rằng cuộc đấu tranh của cô với Covid đã kết thúc.

Nhưng sau đó, một bản chụp MRI của cha cô đã phát hiện ra một chứng rối loạn miễn dịch tự động và bệnh mucormycosis hay còn gọi là "nấm đen" tấn công cha mình. Việc điều trị bổ sung, bao gồm các mũi tiêm hàng ngày có giá 94USD mỗi mũi, đã cộng vào tổng chi phí là hơn 33.000 USD.

Đó là một số tiền không thể tưởng tượng được đối với người con 25 tuổi, là con một và mới tốt nghiệp. "Chúng tôi đã bị sốc khi nhìn thấy các hóa đơn" - cô nói.

Cha của cô, người làm việc tại một trường cao đẳng kỹ thuật tư nhân, đã hỗ trợ gia đình với mức lương hàng năm là 605USD.

Không có bảo hiểm y tế, các hóa đơn y tế đã ăn vào tiền tiết kiệm của cô Hiwase, buộc họ phải vay tiền từ bạn bè và cuối cùng bắt đầu gây quỹ trực tuyến.

Cho đến nay, gia đình đã nhận quyên góp được 11.956 USD, gần một nửa số tiền họ yêu cầu. “Tôi không nhận ra rằng [gây quỹ cộng đồng] có thể hữu ích như thế này” - Chinmayi Hiwase nói, thở dài nhẹ nhõm.

Hình ảnh 1 ca Covid-19 được kêu gọi vốn chi trả hoá đơn điều trị trên nền tảng kêu gọi vốn trực tuyến - Ảnh: BBC

 

Bà Banze – tác giả cuốn sách nhận định: “Gây quỹ cộng đồng về cơ bản đã cho những cá nhân không đủ tiền trả cho các bệnh viện tư nhân cơ hội trang trải. Các nhà tài trợ thường là gia đình và bạn bè của những người bắt đầu gây quỹ, nhưng cũng có các tổ chức phi chính phủ, những người nổi tiếng và những người lạ ở Ấn Độ và nước ngoài, những người cảm thấy bắt buộc phải đóng góp”.

Nhưng sự quyên góp thường hướng đến những câu chuyện đau lòng nhất hoặc những bệnh nhân hoạt động trên nền tảng mạng xã hội mạnh mẽ. Bà Banze và ông Bashir lo lắng rằng điều này thúc đẩy một môi trường nơi mọi người chỉ đồng cảm với những trường hợp nghiêm trọng nhất.

Ấn Độ ghi nhận hơn 4300 ca tử vong vì bệnh “nấm đen”
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang