Đàm phán Nga - Ukraine:

Đột phá ngoại giao có mang lại cơ hội cho hòa bình và cấu trúc an ninh châu Âu?

Thứ Ba, 01/03/2022 09:49

|

(CATP) Chiến sự tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 5 với nhiều cuộc giao tranh căng thẳng, trong khi Hãng tin Sputnik dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga - thiếu tướng Igor Konashenkov ngày 28-2 cho biết, Quân đội (QĐ) Nga đã kiểm soát hoàn toàn không phận Ukraine. 16 giờ cùng ngày (giờ Việt Nam), cuộc đàm phán Nga - Ukraine chính thức bắt đầu. Cố vấn của Tổng thống Putin kiêm Trưởng phái đoàn Nga, ông Vladimir Medinsky cho biết, hai bên đã đạt được thỏa thuận về tổ chức cuộc gặp tại Belarus và địa điểm chính thức được giữ bí mật đến phút chót. Moscow mong muốn hai bên đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt, tất nhiên phải phù hợp với lợi ích của cả hai bên.

Đến tham dự cuộc đàm phán của Ukraine, diễn ra đúng 1 ngày sau khi Tổng thống Zelensky khẳng định ông cần tận dụng tất cả cơ hội ngay lúc này để đảm bảo hòa bình cho Ukraine, gồm: Bộ trưởng Quốc phòng Alexey Reznikov, Cố vấn Văn phòng Tổng thống Mikhail Podolyak, Thứ trưởng Ngoại giao Nikolay Tochitsky cùng một số quan chức chủ chốt khác, với mục tiêu chính đưa ra với phía Nga: đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức và yêu cầu Moscow rút quân khỏi Ukraine. Điều đặc biệt, đàm phán lần này diễn ra mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

Trước khi đàm phán diễn ra, Tổng thống Zelensky muốn người dân Ukraine biết rõ, ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì để ngăn chặn chiến tranh. Tại cuộc đàm phán, theo Hãng tin Nga Sputnik, Kiev yêu cầu Moscow rút tất cả quân đội bao gồm cả ở Crimea và khu vực Donbass. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trước cuộc đàm phán đã tuyên bố Ukraine sẽ không "đầu hàng" và sẽ không từ bỏ một tấc đất nào trên lãnh thổ của mình, giữa lúc Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng tên lửa hạt nhân và các hạm đội Phương Bắc, Thái Bình Dương của nước này đang duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Phái đoàn Nga (trái) và Ukraine trước cuộc họp tại Belarus ngày 28-2 Ảnh: TASS

Vào sáng cùng ngày (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi "phiên họp đặc biệt khẩn cấp" của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để xem xét, khuyến nghị hành động tập thể đối với khủng hoảng Ukraine. Nghị quyết được thông qua với 11 phiếu ủng hộ, 1 phiếu chống của Nga và 3 phiếu trắng (Trung Quốc, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất).

Trước đó, ngày 27-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho các lực lượng răn đe hạt nhân Nga chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao. Đây được xem là đòn đáp trả cứng rắn của Moscow đối với sức ép trừng phạt từ phương Tây. Nga sở hữu hơn 4.400 đầu đạn hạt nhân cùng kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang tầm răn đe chiến lược "và phản ứng của loại khí tài này sẽ dẫn tới những hậu quả mà bạn chưa từng thấy trong lịch sử các cuộc tấn công", Tổng thống Putin từng tuyên bố. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cũng cảnh báo phương Tây về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga và cho rằng điều đó có thể đẩy Nga vào Thế chiến ba và cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ là kết cục cuối cùng.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh hàng loạt quốc gia châu Âu đóng cửa không phận đối với máy bay Nga đồng thời tăng tốc viện trợ quân sự cho Ukraine, động thái chưa từng có tiền lệ nhằm gây sức ép với Tổng thống Putin sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo đó, tất cả máy bay của Nga, dù thuộc sở hữu của các hãng hàng không nhà nước hay tư nhân sẽ bị cấm bay, cấm hạ và cất cánh hoặc quá cảnh không phận của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu. Cùng ngày, Hãng hàng không Aeroflot của Nga cũng thông báo hủy tất cả các chuyến bay đến châu Âu. Trên thực tế, một số nước châu Âu không thuộc EU như Na Uy, Anh cũng đưa ra các quyết định trên.

Việc châu Âu gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine dưới hai hình thức hỗ trợ tài chính cho QĐ Ukraine mua các loại vũ khí sát thương cũng như khẩn cấp hỗ trợ nhiên liệu, thiết bị bảo hộ cũng như vật tư y tế được xem là bước leo thang trừng phạt mới của khối này, tiếp nối hành động của chính phủ các nước. Trong đó, việc Đức quyết định gửi vũ khí chống tăng và tên lửa đất đối không cho Ukraine đánh dấu sự chuyển biến mang tính lịch sử của quốc gia này trong chính sách đối ngoại hậu Thế chiến II, khi trước đó Berlin luôn tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moscow dựa trên nhu cầu năng lượng. Nhưng "nếu thế giới ngày càng trở nên khác biệt thì chính sách cũng phải thay đổi theo", Ngoại trưởng Đức Baerbock nhấn mạnh. Bên cạnh đó, một số nước châu Âu khác, như: Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển cũng tuyên bố cung cấp vũ khí lẫn máy bay chiến đấu cho Ukraine để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga.

Nga dự kiến sẽ đưa ra động thái đáp trả các lệnh trừng phạt và quyết định đóng cửa không phận đối với một số nước Anh, Bulgaria, Ba Lan. Trong trường hợp này, các hãng hàng không sẽ phải chuyển hướng, hành trình kéo dài, tốn nhiều thời gian và chi phí hơn, trong khi ngành hàng không đang nỗ lực vượt qua khủng hoảng.

Ngành vận tải hàng hóa và cho thuê máy bay sẽ chịu tác động không nhỏ, dù các công ty cho thuê máy bay có trụ sở tại châu Âu được cho thời hạn đến 28-3 để giảm dần thỏa thuận với các hãng hàng không Nga, khi các đơn vị vận tải hàng không của nước này tạo được độ tin cậy hơn so với nhiều hãng khác trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Phát biểu với báo giới ngày 28-2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, Liên minh châu Âu muốn Ukraine gia nhập khối này. Tuy vậy, trên thực tế việc trở thành thành viên của EU đòi hỏi quy trình phức tạp và Ukraine hiện không phải là ứng cử viên chính thức xin gia nhập khối.

Bình luận (0)

Lên đầu trang