HĐBA biểu quyết triệu tập phiên họp đặc biệt Đại hội đồng LHQ về tình hình Ukraine

Chủ Nhật, 27/02/2022 09:19

|

(CAO) HĐBA triệu tập cuộc họp để biểu quyết về một nghị quyết kêu gọi tiến hành phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến triệu tập một cuộc họp vào chiều 27/2 theo giờ địa phương để biểu quyết về một nghị quyết kêu gọi tiến hành phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo quy định, nghị quyết sẽ chỉ cần nhận được sự ủng hộ của 9 trong tổng số 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an để được thông qua và không quốc gia ủy viên thường trực nào được phép phủ quyết việc triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng.

 Toàn cảnh phiên bỏ phiếu dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về chiến dịch của Nga tại Ukraine, tại New York, Mỹ ngày 25/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dự kiến cuộc họp Hội đồng Bảo an sẽ diễn ra vào 3h chiều 27/2, theo yêu cầu của Mỹ và Albania.

Nếu nghị quyết đề xuất được Hội đồng Bảo an thông qua, theo quy định, phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ phải được tổ chức trong vòng 24 giờ.

Theo các nguồn tin ngoại giao, Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu về một nghị quyết về vấn đề Ukraine sau phiên họp đặc biệt.

Các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc không mang tính ràng buộc.

Cũng do tình hình tại Ukraine, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hủy chuyến đi đến Geneva (Thụy Sĩ) để phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong ngày 28/2 và ở lại New York.

Nga nối lại chiến dịch quân sự tại Ukraine

Hãng thông tấn RIA ngày 26/2 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tất cả các đơn vị của nước này tại Ukraine đã nhận được lệnh nối lại chiến dịch quân sự từ mọi hướng sau khi tạm dừng hôm 25/2.

Bộ Quốc phòng Nga giải thích rằng việc tạm dừng được thực hiện để chuẩn bị cho khả năng đàm phán giữa Moskva và Kiev, nhưng hoạt động quân sự được nối lại sau khi phía Ukraine từ chối đàm phán.

Tuy nhiên, phía Ukraine cùng ngày đã bác bỏ các thông tin cho rằng nước này từ chối đàm phán ngừng bắn với Nga, nhưng khẳng định Kiev không sẵn sàng chấp nhận các điều kiện của Moskva.

Người dân Ukraine tránh chiến sự dưới tầng hầm nhà ga đường sắt

Trong khi đó, giới chức quốc phòng Mỹ, Anh cho rằng đà tấn công của Nga chậm lại do những khó khăn về hậu cần và vấp phải sự kháng cự của các lực lượng Ukraine.

Liên quan đến tình hình chiến sự, Thống đốc Crimea, ông Sergei Aksyonov ngày 26/2 cho biết các binh sỹ Nga đã phá hủy một con đập bêtông được xây dựng trên một con kênh chạy qua khu vực Kherson của Ukraine hồi năm 2014 để cắt nguồn cung cấp nước cho bán đảo này trước khi nó được sáp nhập vào Nga.

Ngoài ra, một cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, ông Vadym Denysenko nói rằng, các binh sỹ Nga đang tiến gần tới nhà máy điện hạt nhân tại thành phố Zaporizhzhia ở Đông Nam Ukraine.

Nga hiện đã giành quyền kiểm soát đối với nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nằm cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 100 km về phía Bắc.

Hàng loạt quốc gia EU đóng không phận với Nga

Truyền thông Đức đưa tin chính phủ nước này thông báo sẽ đóng không phận với máy bay dân sư Nga, trong bối cảnh các quốc gia vùng Baltic cùng một số nước khác cũng đã có động thái tương tự.

Bộ Giao thông vận tải Đức tối 26/2 thông báo Bộ trưởng Giao thông vận tải nước này Volker Wissing đã chỉ thị chuẩn bị sẵn sàng để đóng không phận Đức với máy bay Nga.

 Máy bay của hãng hàng không Lufthansa tại sân bay ở Munich, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, có dấu hiệu cho thấy máy bay Đức cũng không còn được phép bay trong không phận Nga.

Hiện đã có ít nhất 2 máy bay của hãng Lufthansa phải bay trở lại, trong khi Lufthansa tuyên bố muốn tránh không phận Nga trong 7 ngày tới.

Thông báo của Lufthansa nêu rõ hãng không thể sử dụng không phận Nga do "tình hình hiện tại và những điều chỉnh mới." Theo đó, các chuyến bay tới Nga sẽ bị đình chỉ trong thời gian này và những máy bay hiện đang trong không phận Nga sẽ nhanh chóng rời khỏi Nga.

Trước đó, hãng hàng không KLM, công ty con tại Hà Lan thuộc tập đoàn Air France-KLM, cũng thông báo tạm dừng tất cả các chuyến bay đến Nga trong 7 ngày.

Động thái này được cho là phù hợp với các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga.

Tờ Spiegel cũng đưa tin các quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva cũng sẽ đóng không phận với máy bay Nga.

Lệnh cấm sẽ được áp dụng đồng thời và vô thời hạn với những máy bay được vận hành bởi các hãng hàng không có giấy phép do Nga cấp, ngoại trừ các chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp hoặc chuyến bay nhân đạo.

Trước đó, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Bulgaria cũng đã đóng không phận với máy bay Nga.

Một nhà ngoại giao EU nói với hãng tin Đức DPA rằng các nước EU khác dường như cũng sẽ đóng cửa không phận đối với máy bay Nga.

Trong động thái đáp trả, Cơ quan vận tải hàng không Liên bang Nga Rosaviation thông báo Nga sẽ đóng không phận với các chuyến bay của các hãng hàng không của Latvia, Litva, Estonia, và Slovenia và/hoặc đăng ký tại các nước này từ ngày 27/2, kể cả các chuyến bay quá cảnh.

Các nước phương Tây đồng thuận đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT

Người phát ngôn chính phủ Đức ngày 26/2 cho biết nước này và các đồng minh phương Tây đã nhất trí đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, trong gói các biện pháp trừng phạt thứ ba nhằm vào Moskva liên quan đến chiến dịch quân sự hiện nay ở Ukraine.

Theo người phát ngôn chính phủ Đức, biện pháp trừng phạt mới, với sự nhất trí của Mỹ, Pháp, Canada, Italy, Anh và Ủy ban châu Âu, cũng bao gồm việc hạn chế khả năng hỗ trợ đồng rouble của ngân hàng trung ương Nga.

 Tòa chung cư bị phá huỷ ở Koshytsa, ngoại ô thủ đô Kiev, trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, ngày 25/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, những cá nhân và thể chế tại Nga và các nước khác ủng hộ Moskva trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine cũng sẽ bị nhắm mục tiêu.

Người phát ngôn chính phủ Đức khẳng định các nước phương Tây đã nhấn mạnh sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không dừng hành động quân sự ở Ukraine để từ đó vãn hồi trật tự hòa bình châu Âu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang