(CAO) Theo AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức cho biết, nước này chấp thuận việc Nga có thể thay thế 4 người khác để thế chỗ những phái viên Nga bị trục xuất. Những phái viên bị trục xuất sẽ phải rời khỏi Đức trước ngày 2-4.
Đây được xem là động thái nhằm phối hợp cùng một số đối tác EU, NATO và các đồng minh khác trong hoạt động đáp trả việc đầu độc cựu điệp viên của Nga ở Anh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức nêu lý do trục xuất 4 người vì họ có dính dáng đến các hoạt động tình báo. Dù vậy, việc thay thế vị trí này bằng những người khác vẫn được Berlin chấp thuận.
(CAO) Đòn “đánh hội đồng” của các nước phương Tây, trong đó dẫn đầu là Mỹ với hơn 100 nhân viên ngoại giao Nga bị trục xuất tính đến sáng 27-3 (giờ VN) với cớ là Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh đang đẩy mâu thuẫn leo thang.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga, ông Sergey Naryshkin cũng thừa nhận có nhân viên tình báo trong phái đoàn ngoại giao Nga bị các nước phương Tây trục xuất, đồng thời giải thích nhiệm vụ của họ chỉ là đảm bảo vấn đề an ninh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt tay tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức - Ảnh: mashable
Căng thẳng ngoại giao giữa Nga với Mỹ, EU và NATO leo thang sau khi cựu điệp viên của Nga Sergei Skripal và con gái đã bị đầu độc tại bãi đỗ xe ở Salisbury, Anh vào ngày 4-3. Vụ việc đã khiến hơn 130 công dân Anh bị đe dọa tính mạng vì tiếp xúc với chất độc thần kinh Novichok.
Mỹ, Australia, Ukraine, Canada, Albania và 16 trong 28 nước Liên minh châu Âu (EU) đã trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga vì cho rằng Nga đứng sau vụ đầu độc cựu gián điệp. Trong khi phía Nga bác bỏ mọi cáo buộc, đề nghị hợp tác toàn diện để điều tra, đồng thời hứa sẽ đáp trả việc trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao của mình.