Đài Loan là quê hương của một số xưởng đúc công nghệ cao tiên tiến và lớn nhất thế giới, là trụ cột của ngành công nghiệp bán dẫn trị giá 450 tỷ USD trên toàn cầu, cung cấp sức mạnh tính toán cho các thiết bị điện tử thiết yếu nhưng lại là ngành công nghiệp sử dụng cực kỳ nhiều nước.
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc chạy đua toàn cầu về sản xuất vi mạch khi người tiêu dùng đổ xô mua sắm thiết bị điện tử phục vụ cho thời gian bị chôn chân ở nhà vì các biện pháp phong toả chống dịch.
Những xưởng đúc tại Đài Loan đã hoạt động hết công suất để cố gắng đáp ứng nhu cầu này. Nhưng tình trạng thiếu mưa đột ngột đang làm cho tình hình tồi tệ hơn đối với một quy trình sản xuất sử dụng hàng tỷ gallon nước mỗi năm để ngăn ngừa ô nhiễm trong quy tình sản xuất các sản phẩm của mình.
"Từ máy tính xách tay, màn hình, TV, điện thoại thông minh, máy tính bảng cho đến ô tô, tất cả đều thiếu chip. Chúng tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì như thế này trước đây" - Eric Li, phát ngôn viên của Himax Technologies, công ty thiết kế chip sử dụng trong màn hình nói với AFP.
Một khu hồ cạn trơ đáy ở Đài Loan - Ảnh: AFP
Đài Loan là một trong những nơi ẩm ướt hơn trên thế giới, với lượng mưa hàng năm 2.600 mm. Bão thường xuyên đổ bộ vào đảo từ phía đông trong mùa mưa và bổ sung lượng nước đáng kể vào các hồ chứa.
Nhưng lần đầu tiên sau 56 năm, không có cơn bão nào đổ bộ vào Đài Loan vào năm 2020.
Và, trong ba tháng đầu năm nay, lượng mưa ít hơn 40% so với tỷ lệ thông thường.
Ở miền nam Đài Loan, mực nước tại hồ chứa lớn nhất Tsengwen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm với dung tích chỉ còn dưới 12% trong khi hồ Baihe hoàn toàn khô cạn.
Đầu tháng này, chính phủ đã áp dụng chế độ phân bổ nước cho hơn một triệu hộ gia đình và doanh nghiệp ở miền trung Đài Loan.
Nhiều cánh đồng của nông dân đang phải bỏ đi và những ngôi nhà bị cắt nước trong hai ngày một tuần.
Ba công viên khoa học lớn của hòn đảo, nơi đặt trụ sở của nhiều công ty công nghệ hàng đầu, đã được lệnh cắt giảm lượng nước sử dụng lên tới 15%.
Iris Pang, chuyên gia kinh tế Đài Loan tại ING cho biết: “Điều này bắt đầu khiến các nhà máy bán dẫn lo lắng khi họ có nhiều đơn đặt hàng hơn” - Iris Pang, chuyên gia kinh tế Đài Loan tại ING, cho biết tình trạng thiếu chip hiện tại có thể sẽ kéo dài sang năm sau và có thể đến năm 2023.
Các xưởng đúc chip của Đài Loan đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng cao về chất bán dẫn.
Trong ngành công nghiệp xe hơi, vốn đã phải hủy bỏ nhiều đơn đặt hàng chip trong đại dịch, cuộc khủng hoảng đã trở nên tồi tệ đến mức các nhà sản xuất ô tô lớn như Ford, Nissan và Volkswagen đã phải cắt giảm sản lượng, dẫn đến ước tính doanh thu bị mất khoảng 60 tỷ USD trong năm nay.
Lượng mưa gỉảm hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái tác động mạnh đến ngành công nghiệp chất bán dẫn - Ảnh: AFP
Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất vi mạch theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cho biết họ đang hoạt động hết công suất "với nhu cầu từ mọi lĩnh vực".
Sản xuất chất bán dẫn là một quá trình sử dụng rất nhiều nước trong suốt quá trình sản xuất, từ việc làm sạch bản thân các con chip, giữ cho xưởng đúc hiện đại siêu vô trùng và rửa trôi các chất thải hóa học.
Riêng TSMC đã sử dụng 156.000 tấn nước mỗi ngày vào năm 2019 - tương đương với 60 bể bơi cỡ Olympic.
Công ty nằm trong số các nhà sản xuất chip đã bắt đầu vận chuyển nước đến các xưởng đúc của mình và giảm bớt lo ngại rằng hạn hán sẽ ảnh hưởng đến sản xuất.
"TSMC đã luôn duy trì các kế hoạch dự phòng cho từng giai đoạn hạn chế nước ... Cho đến nay không có tác động đến sản xuất” – công ty cho biết trong một tuyên bố.
Trong tháng này, TSMC cho biết họ đang có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD trong vòng 3 năm tới để xây dựng các dây chuyền sản xuất mới.
Phụ thuộc quá nhiều vào Châu Á
Alan Patterson đến từ tạp chí công nghiệp EE Times cho biết tình trạng thiếu nước khó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất chip vào thời điểm này.
Nhưng có một mối nguy hiểm trong "khả năng đặt trước quá nhiều đơn đặt hàng bán dẫn".
Ông nói với AFP: “Do nhu cầu cấp bách để đảm bảo nguồn cung cấp chip, một số công ty có thể đặt hàng nhiều nguồn cung hơn mức họ thực sự cần. Nhưng hạn hán kéo dài có thể bắt đầu ảnh hưởng đến ngành sản xuất”.
Đã có những lời kêu gọi thúc giục Đài Loan đào thêm giếng để bù đắp cho những khoảng thời gian thiếu hụt lượng mưa, đặc biệt là khi biến đổi khí hậu dẫn đến mô hình thời tiết khó dự đoán hơn.
Sự thiếu hụt chip cũng làm tập trung sự chú ý vào cách mà phần lớn các chất bán dẫn quan trọng đối với các công nghệ 5G mới nhất - được sản xuất chỉ ở hai nơi, Đài Loan và Hàn Quốc.
Công ty sản xuất chip TSMC của Đài Loan phải dùng xe chở nước đến mỗi ngày để đảm bảo hoạt động sản xuất - Ảnh: AFP
TSMC đã công bố kế hoạch xây dựng một cơ sở mới ở bang Arizona (Mỹ) như một phần của nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.
Đối thủ chip của Mỹ là Intel cũng đã tiết lộ kế hoạch chi 20 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy mới ở Arizona như một phần của kế hoạch thúc đẩy sản xuất ở trong nước và ở châu Âu.
Giám đốc điều hành Pat Gelsinger của Intel nói với BBC: “Có 80% tổng nguồn cung ở châu Á không phải là điều dễ chịu. Và thế giới cần một chuỗi cung ứng cân bằng hơn để thực hiện điều đó".