Ẩn số từ những căn phòng định mệnh:

Kỳ 1: Vụ án trong căn phòng số 30

Thứ Hai, 03/06/2024 17:58

|

(CATP) Những căn phòng ấy vốn là nơi ở trọ của các doanh nhân hay du khách lỡ độ đường đến tìm nơi lưu trú. Nhưng họ vào đó rồi chẳng thể quay về, để lại nỗi ám ảnh cho người thân và các nhân viên tại đây, dù có khi vụ án mãi chẳng thể tìm ra hung thủ...

Vụ án mạng từng làm "nóng" truyền thông Mỹ một thời khi kẻ lãnh án chung thân do bị cáo buộc sát hại một thiếu nữ 18 tuổi chính là lễ tân của khách sạn nơi cô đến thuê phòng. Trước chứng cứ chưa rõ ràng khiến "hung thủ” chẳng tâm phục, khẩu phục đã mỉa mai rằng "bồi thẩm đoàn không đủ thông minh để luận tội".

Chuyến đi định mệnh

Là con thứ 2 trong gia đình 7 anh chị em sống ở 1 trang trại gần thị trấn Grygla, bang Minnesota, Mỹ, dù rất thích được đi đó đây cho biết với thiên hạ nhưng Marie Wick (18 tuổi) chưa bao giờ có cơ hội rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Chính vì thế, vào một ngày đẹp trời của tháng 6/1921 khi được cha mẹ cho phép đến thăm họ hàng ở North Dakota, cách đó gần 300km, Marie phấn khởi lên đường mà chẳng ngờ đó là chuyến đi đầu tiên và cũng là cuối cùng của cô!

Sau chuyến tàu thứ nhất, đến chặng dừng, bất ngờ Marie gặp được anh chàng Arnold - người quen của gia đình cô và được anh này giúp thuê khách sạn. Thời đó, The Prescott là một trong những nơi lưu trú tiện nghi nhất thành phố và khi đến đây, Marie được William Gummer - nhân viên lễ tân trực đêm đưa lên phòng số 30, cuối hành lang trên lầu 1. Sau khi nhận phòng, Marie được Arnold dẫn đi tham quan một vòng thành phố về đêm và trở lại khách sạn lúc 23 giờ. Gặp nhân viên lễ tân William, Marie đã nhờ anh này gọi điện đánh thức cô lúc 6 giờ sáng hôm sau để kịp chuyến tàu sau đó 1 tiếng đồng hồ rồi về phòng 30 ngủ.

Khách sạn The Prescott ở TP.Fargo, North Dakota vào đầu thế kỷ XX Ảnh: NDSU Archives

Nhưng 6 giờ sáng hôm sau, ngày 07/6/1921 dù đã gọi nhiều cuộc điện thoại lên phòng Marie nhưng theo lời William, vì không có ai bắt máy nên anh quyết định lên gõ cửa trực tiếp. Mãi vẫn chẳng thấy trả lời, anh đã dùng chìa dự phòng mở khóa bước vào và bất ngờ hét lên 1 tiếng kinh hoàng, bỏ chạy xuống gọi chủ khách sạn.

Khi cảnh sát đến hiện trường xác định Marie đã bị tấn công bằng vòi cứu hỏa từ hành lang khách sạn, thời điểm tử vong khoảng từ 1 đến 2 giờ sáng. Vụ án mạng gây rúng động thành phố và Arnold trở thành nghi can đầu tiên, nhưng anh này có chứng cứ ngoại phạm do sau khi đi ăn kem cùng Marie về đã đến chơi nhà bạn tới 2 giờ sáng nên được loại trừ. Tiếp đó, một doanh nhân ngụ phòng 31 sát bên cũng không liên quan đến hiện trường vụ án. Cuối cùng còn lại nhân viên lễ tân William Gummer.

Dáng vẻ ngờ nghệch có phần hơi chất phác, chẳng ai ngờ chàng trai 22 tuổi xuất thân từ nông dân ở North Dakota này lại nổi tiếng đào hoa và mê trò đỏ đen. Do áp lực dư luận, dù chứng cứ chưa rõ ràng, William Gummer vẫn phải ra tòa trong phiên xét xử gây rúng động nước Mỹ sau đó 8 tháng.

Bồi thẩm đoàn cho rằng chỉ có mỗi William biết căn phòng nơi Marie ở, trong khi vào thời điểm trên phòng 31 bên cạnh không có người ngụ, sẽ thuận tiện cho việc hành sự và hung thủ phải là người quen thuộc với nơi này bởi chẳng ai nghe tiếng nạn nhân kêu cứu, giữa lúc vòi cứu hỏa nằm ở hành lang cũng ít người để ý, chỉ có nhân viên khách sạn mới rành rẽ cách sử dụng và William nằm trong số này.

Trong lúc trả lời câu hỏi của bồi thẩm đoàn, William thừa nhận từng gọi điện lên tán Marie nhưng bị từ chối nên đành thôi. Chứng cứ duy nhất tố cáo hung thủ là chiếc quần dính máu cảnh sát tìm được dưới chân cầu thang tầng hầm khách sạn sau gần 1 tuần xảy ra vụ án mạng và từ đó, William bị cáo buộc là hung thủ sát hại cô gái trẻ với đầy đủ động cơ gây án.

Lời kết tội mơ hồ

Theo luật sư Swenson bào chữa cho William, trong khoảng thời gian xảy ra án mạng đã có khách trả phòng, nhưng cảnh sát chỉ xác định được James Farrell ở Minnesota, song cũng chẳng điều tra cho rõ ngọn nguồn.

Cứ thế, William Gummer lãnh án chung thân, về tội giết người cấp độ một, để rồi trước khi bị dẫn giải thi hành án, bị cáo chỉ kịp buông lời mai mỉa: "Bồi thẩm đoàn không đủ thông minh để luận tội".

William Gummer được đưa đến nhà tù Tiểu bang North Dakota, nơi đang giam giữ 250 phạm nhân, vào ngày 19/3/1922, với niềm tin mình không phạm tội. Gần chục năm tiếp theo, William nhiều lần vượt qua bài kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối, nhưng tất cả vẫn chưa đủ.

Mãi đến năm 1936, khi nhận được thông tin một người đàn ông ở Denver tên Arthur James "khoe khoang chiến tích" rằng mình đã cùng người bạn sát hại một cô gái tại khách sạn ở TP.Fargo, North Dakota vào tháng 6/1921, nhưng "một nhân viên lễ tân ngờ nghệch đang phải lãnh án thay", lập tức cơ quan thực thi pháp luật và luật sư của William Gummer đã đến tìm Arthur, nhưng cả hai đã phủ nhận hành vi phạm tội, dù mẫu đăng ký lưu trú viết tay của hai đối tượng đều giống với mẫu của nghi phạm lưu lại trong sổ khách sạn, cả lỗi chính tả cũng vậy.

Cuối cùng, sau bao nỗ lực, William Gummer cũng được ân xá vào ngày 28/12/1944, sống thêm được 37 năm trước khi qua đời ở tuổi 83. Mặc dù vậy, hung thủ thực sự sát hại cô Marie tội nghiệp trong đêm định mệnh đến nay vẫn còn là ẩn số chưa có lời giải.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang