(CAO) Hôm 18-9, Reuters đưa tin Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã huỷ các kết hoạch gặp giới lãnh đạo của quốc gia quần đảo Solomon để bàn về việc phát triển mối quan hệ đối tác sau khi Solomon quyết định cắt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan để quay sang thiết lập mối quan hệ chính thức với Trung Quốc.
Solomon là quốc gia thứ 6 kể từ năm 2016 quyết định cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để quay sang Trung Quốc. Đài Loan đã cáo buộc Trung Quốc gây sức ép lên những nước thiết lập quan hệ ngoại giao với mình và cố tình tác động, can thiệp vào các cuộc bầu cử sắp tới của hòn đảo.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, có thể dùng vũ lực để sáp nhập nếu cần thiết.
Một nguồn tin cho Reuters biết thủ tướng Solomon- Manasseh Sogavare trước đó đã đề nghị có một cuộc gặp với ông Pence, dự kiến diễn ra bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào tháng này.
Tuy nhiên quyết định thay đổi tình trạng quan hệ với Đài Loan của Solomon đã khiến Mỹ phật ý.
Dù công nhận chính sách “Một Trung Quốc” tức xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng Mỹ trước nay vẫn đi theo kiểu quan hệ ngoại giao “mập mờ” về vấn đề này. Washington muốn hai bờ eo biển giữ nguyên trạng, tức Trung Quốc không tấn công Đài Loan, đổi lại chính quyền Đài Bắc không xúc tiến các động thái hướng đến độc lập để kích động Bắc Kinh.
Mỹ hiện nay là bên cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence huỷ cuộc gặp với lãnh đạo Solomon sau khi nước này cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan - Ảnh: Reuters
Sau quyết định cắt đứt quan hệ của Solomon, đến nay Đài Loan chỉ còn duy trì quan hệ chính thức với 16 quốc gia, phần lớn trong số đó là những quốc gia nhỏ, kém phát triển ở khu vực Trung Phi và Thái Bình Dương.
Solomon là quốc gia quần đảo lớn nhất ở Thái Bình Dương có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, với số dân 600.000 người.
Chính quyền nước này đang kêu gọi sự gíup đỡ cần thiết từ Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật và Đài Loan để giúp phát triển cơ sở hạ tầng. Có thể thấy “đồng tiền” là thứ nước này cần nhất lúc này, khiến họ quay sang Trung Quốc, nước có nguồn vốn dồi dào với những khoản vay ưu đãi.
Vị trí quốc gia quần đảo Solomon trên Thái Bình Dương - Ảnh: britannica.com
Ngay sau quyết định của Solomon, Bắc Kinh ngay lập tức hoan nghênh, cho biết cơ hội hợp tác “chưa từng có” sẽ mở ra với nước này khi họ cắt quan hệ với Đài Loan. Trung Quốc hứa rót 8,5 triệu USD vào quỹ phát triển của Solomon sau quyết định trên.