Ngày quốc tang thứ hai của nước Pháp, vẫn còn đó nỗi đau khôn nguôi

Thứ Hai, 16/11/2015 22:36  | Bảo Tâm (từ Pháp)

|

(CAO) Paris và nước Pháp đang trong ngày thứ hai của quốc tang, đến hết ngày 17-11-2015, các trường học, đại học và các cơ sở văn hóa tại Paris sẽ hoạt động lại.

Báo chí thông tin sáng sớm nay, 10 chiếc máy bay chiến đấu Pháp, cất cánh từ hai cơ sở quân sự tại hai nước Jordanie và Arabie Saoudite đã thả 20 quả bom xuống căn cứ quân sự của lực lượng nhà nước Hồi giáo tự xưng tại thành phố Rakka, Syria trong đêm và rạng sáng ngày 16-11-2015.

Con số nạn nhân tử vong tăng thêm vì những người bị thương nặng không qua khỏi trong các bệnh viện. Thông báo cuối cùng ngày chủ nhật (15-11-2015), có 132 người chết và 530 người bị thương, khoảng hơn 30 người đang nằm trong các phòng hồi sức. Trong số này có khoảng 103 nạn nhân được nhận dạng danh tính.

Trong chương trình truyền hình Le Grand 8, người dẫn tin tức, bà Laurence Ferrari rất xúc động khi thông báo là năm nhân viên của nhóm truyền thông đài truyền hình Canal + Vivendi đã tử thương trong các cuộc tấn công hôm 13-11.

Ngày chủ nhật dân chúng Paris đi đến những địa điểm bị khủng bố và đặt hoa tươi, nến… để tưởng niệm các nạn nhân. Đáng thương hơn là những gia đình còn đang tìm kiếm người thân hay đau khổ với tình trạng gần kề cái chết của thân nhân đang được điều trị trong các nhà thương.

Tuy nhiên, không khí tại Paris và các vùng phụ cận vẫn căng thẳng vì còn tin báo động rằng các lực lượng an ninh đang ráo riết truy lùng một nhóm người khủng bố đang lẩn trốn và có thể gây thêm những cuộc khủng bố khác.

Kẻ tổ chức và cầm đầu các cuộc khủng bố tại Paris ngày 13-11-2015 có tên Abdelhamid Abaaoud, 27 tuổi, sinh sống trong khu vực Molenbeek tại Bruxelles (Bỉ) đang bị các lực lượng an ninh tìm kiếm sôi sục

Qua hết ngày chủ nhật 15-11-2015, cảnh sát Pháp đã kiểm soát 168 nơi ở (nhà và căn hộ), 23 người bị bắt giam, 104 người bị quản thúc tại gia.

Con số nhân viên điều tra hình sự được đôn lên đến 2.200 người. Thủ tướng Pháp, Manuell Valls điều động 10.000 quân đội (cho đến hết tối thứ ba 17-11-2015) về Paris để bảo vệ thủ đô. Ông cho là, tình trạng đe dọa bởi khủng bố sẽ còn kéo dài thêm một thời gian, cả nước Pháp phải sẵn sàng đối phó. Đồng thời, ông cũng ra lệnh đóng cửa một số đền thờ Hồi giáo bị nghi vấn là quá khích.

1.400 cảnh sát đã thực hiện 70 cuộc khám xét nhà cửa tại các thành phố lớn như Grenoble, Toulouse, Marseille, Strasbourg, Lyon và Lille.

Lần lượt những tên khủng bố được nhận dạng, các kết quả điều tra được thông báo rất nhanh chóng như để trấn an dân chúng. Theo đó, kẻ cầm đầu cuộc khủng bố này là một người sinh sống ở khu phố Molenbeek thuộc thủ đô Bruxelles, Bỉ (Belgium), có tên là Abdelhamid Abaaoud (27 tuổi).

Công tố viên chính phủ tại Paris, ông Francois Molins đã thông báo thêm danh tính hai tên khủng bố đã chết, đó là Ahmad Al Mohammad chết ở sân vận động Stade de France và Samy Amimour (28 tuổi) chết trong cuộc tấn công vào nhà hát Bataclan.

Một tên khủng bố là Addeslam Salah đang đào thoát, được lùng kiếm sôi sục tại Pháp, Bỉ, Đức.

Hiện thời khu phố Molenbeek tại Bruxelles, Bỉ đang bị các lực lượng an ninh phong tỏa. Báo chí được yêu cầu không đăng tải hình ảnh lên mạng.

Tuy nhiên nhà cầm quyền Bỉ đã trả tự do cho một người em của Salah Abdeslam vào trưa hôm nay (16-11-2015), người này có tên là Mohamed.

Bên lề hội nghị G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa những nhà lãnh đạo đã diễn ra. Tổng thống Nga, Wladimir Putin có hai cuộc hội kiến với Tổng thống Mỹ, Obama và Thủ tướng Đức, Angela Merkel về chủ đề chống chiến tranh khủng bố do lực lượng IS tổ chức.

Cũng là một phản ứng cho sự kiện tại Paris, thủ tướng Anh, David Cameron quyết định tăng số người của cơ quan tình báo Anh thêm 1.900 người mới.

Hậu quả về kinh tế của Pháp đã được ghi nhận trên thị trường chứng khoán, các công ty trong lĩnh vực du lịch như khách sạn, máy bay, xe lửa đều bị mất điểm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang