Thành phố Mosul hoang tàn ngày trở lại

Chủ Nhật, 13/08/2017 13:53  | Quốc Bảo

|

(CAO) Iraq đã trải qua một cuộc chiến dài để giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul từ tay phiến quân IS, tuy nhiên giờ đây Mosul từ một thành phố sầm uất đã biến thành một đống đổ nát, hoang tàn.

Bất kì cuộc chiến tranh nào dù ít hay nhiều đều để lại những mất mát, tổn thất và cuộc chiến đấu để chiếm lại thành phố Mosul cũng không ngoại lệ. Thành phố Mosul giờ đây không còn những tòa nhà cao tầng, nhà thờ, đường sá khang trang nữa mà thay vào đó là những đống đổ nát, hàng ngàn người đã chết và một số người may mắn sống sót rải rác khắp nơi.

Thành phố Mosul năm 2015 trước khi bị tấn công (bên trái) và sau cuộc chiến (bên phải). Ảnh: DigitalGlobe

Ước tính hàng chục ngàn người đã chết, thậm chí có thể lên đến hơn 1 triệu người. Đường phố giờ đây đầy rẫy gạch đá, rải rác bom mìn chưa nổ, bẫy và vũ khí.

Cái giá của sự tự do

Để giành lại quyền kiểm soát thành phố Mosul, quân đội Iraq cùng với quân đội Mỹ và Liên minh đã chiến đấu trong suốt gần 1 năm.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết trước khi cuộc tấn công diễn ra, thành phố Mosul có 135 tòa nhà bị hư hại bao gồm cả khu quân sự al-Ghazlani, sân bay Mosul và trường đại học của thành phố.

Sau 5 tháng đầu tiên của cuộc tấn công (47% nhà cửa bị phá hủy), gần 1.240 công trình bị hư hỏng. Các mục tiêu chiến lược như đường sá và nhà máy đều bị hư hại, cả năm cây cầu qua sông Tigris đều bị đánh phá.

Mức độ thiệt hại trước khi cuộc tấn công diễn ra (bên trái) và sau khi diễn ra 5 tháng (bên phải). Màu xanh dương biểu thị mức độ thiệt hại.

Sau 8 tháng (70% nhà cửa bị phá hủy), khoảng 4.356 tòa nhà bị hư hỏng. Đặc biệt, chỉ trong vòng 3 tháng từ tháng 3 đến tháng 6/2017, số lượng các tòa nhà bị phá hủy đã tăng từ 1240 lên đến 4356, gần gấp 4 lần. Theo tính toán, cứ 10 tòa nhà bị phá hủy thì có 7 tòa nhà là nhà ở của người dân.

Sau gần 9 tháng (85% nhà cửa bị phá hủy), cuộc chiến dần đi đến hồi kết và quân đội bắt đầu chiếm lại quyền kiểm soát thành phố Mosul. Tuy nhiên mức độ thiệt hại vẫn tăng lên đáng kể, hơn 9519 tòa nhà bị hư hỏng.

Trong những tuần cuối cùng của cuộc chiến, có hơn 5000 địa điểm đã bị phá hủy. Khoảng 98% trong số đó là các tòa nhà dân cư (chủ yếu ở Old City), nhà thờ Hồi giáo lớn al-Nuri cũng bị phá hủy.

Mức độ thiệt hại sau 8 tháng (bên trái) và những tuần cuối cùng (bên phải).

Theo đánh giá của LHQ, hầu như toàn bộ thành phố Mosul đều bị thiệt hại. Tuy nhiên phía tây của thành phố bị thiệt hại nặng nề hơn so với phía đông (phía đông thành phố đã được quân đội chính phủ giành lại quyền kiểm soát từ 6 tháng trước).

Gần 31 khu dân cư ở phía tây của Mosul chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó có khoảng 15 khu dân cư bị “hư hỏng nặng” và không thể sống được. 23 khu dân cư còn lại bị “hư hỏng vừa phải", có nghĩa là khoảng một nửa số tòa nhà đã bị phá hủy hoặc có cấu trúc không an toàn và 16 khu bị "hư hỏng nhẹ".

Thống kê sơ bộ thiệt hại về công trình tại thành phố Mosul. (Ảnh: Tổ chức LHQ Habitat)

Phân tích vệ tinh ban đầu của LHQ cho thấy nhà ở đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ít nhất 8500 tòa nhà ở bị hư hỏng nghiêm trọng hoặc bị phá huỷ hoàn toàn, hầu hết trong số đó ở Old City. Con số này chắc chắn sẽ tăng lên khi LHQ tiến hành đánh giá thiệt hại toàn diện trực tiếp tại Mosul.

Ngoài ra, khoảng 130 km đường bộ cũng đã bị hư hỏng tổng thể, trong đó 100 km ở phía tây. Sân bay, ga đường sắt và các bệnh viện của thành phố cũng bị tàn phá, các quan chức Iraq ước tính gần 80% trung tâm y tế chính của thành phố Mosul đã bị phá hủy.

Mất mát chiến tranh

Cuộc chiến giành lại thành phố Mosul diễn ra ác liệt nhất vào những tuần cuối cùng, phiến quân IS đã củng cố lực lượng tại Old City nhằm dồn sức chống trả quân đội chính phủ. Khi quân đội 2 bên giao chiến, rất nhiều người dân trong khu vực này đã mắc kẹt trong nhà và không thể chạy trốn.

Cô bé Amira 10 tuổi là một trong số những nạn nhân của cuộc chiến. Quân đội 2 bên giao tranh và đạn đã xuyên qua tường khiến 2 chân của Amira bị thương và giết chết mẹ cô bé.

“Tôi cứ luôn miệng gọi mẹ, tôi cố la lớn để mẹ đến bên tôi nhưng mẹ không trả lời tôi và tôi cũng không thể di chuyển. Tôi không có thức ăn hay nước uống và cô đơn trong suốt ba ngày, tôi cố hét lên để tìm sự giúp đỡ nhưng không ai nghe thấy tôi. Tôi vẫn tiếp tục gọi mẹ, tôi không biết mẹ mình đã chết cho đến khi có người đến giải cứu tôi”, Amira kể lại.

Cô bé Amira, một nạn nhân của cuộc chiến. 

Amira cho biết cha và anh chị em của mình đã chạy trốn trước đó, hiện tại cô bé đang được điều trị và vẫn chưa có bất kì thông tin nào về những người thân còn lại trong gia đình Amira.

Cái giá để giành lại sự tự do cho thành phố là quá lớn và chính những người dân sinh sống tại Mosul là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ bị mất nhà, mất người thân, bị thương tật và có thể sẽ bị ám ảnh bởi cuộc chiến này suốt đời.

Chưa có thống kê chính xác số người chết trong cuộc chiến, LHQ ước tính vào tháng 1/2017 có khoảng 2463 người chết. Tuy nhiên, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết hơn 5805 người đã thiệt mạng bởi các cuộc không kích. Trong khi đó, một báo cáo tình báo của người Kurd đã tiết lộ với tờ Independent rằng 40.000 người đã thiệt mạng.

Mong chờ ngày trở về

Theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế, cuộc chiến đã khiến hơn 1 triệu dân thường phải rời khỏi thành phố. Từ giữa tháng 10/2016 đến tháng 6/2017, 7000 gia đình phải từ bỏ nhà ở Mosul.

Số gia đình di cư tăng lên hơn 125.000 (được cho là tương đương với dân số của một thành phố tại San Francisco) vào tháng 7/2017 và cho đến nay là gần 140.000. Đây được xem là cuộc di cư có quy mô lớn nhất trong lịch sử hiện đại.

Hàng trăm ngàn người dân hiện đang sinh sống trong các trại tị nạn và mong chờ ngày trở về quê hương.

Cho đến hiện tại, có hơn 440.000 người dân Mosul đang sống trong các trại tị nạn. Nhiều người dân tại thành phố Mosul đã chọn phương án di chuyển về phía đông thành phố để sinh sống tạm ở nhà của người thân, bạn bè thay vì di chuyển đến các trại tị nạn, trại thuyên chuyển.

Họ vẫn hi vọng một ngày nào đó thành phố Mosul sẽ được khôi phục lại như xưa và lúc đó họ có thể trở về nhà của mình. Tuy nhiên với tình hình hiện tại của Mosul thì có vẻ ngày trở về sẽ không thể tới sớm, một số người dân tại thành phố Mosul đã chọn từ bỏ thành phố của mình và chuyển đến thủ đô Baghdad (Iraq) sinh sống.

Bắt đầu từ con số 0

Giờ đây, thành phố Mosul đã được quân đội chính phủ kiểm soát. Dù rất khó nhưng các quan chức chính phủ Iraq đang cố gắng để xây dựng lại thành phố như xưa. Đặc biệt, khu vực phía tây của thành phố sẽ rất khó để khôi phục như ban đầu.

Việc xây dựng lại thành phố có thể kéo dài vài năm, thậm chí là vài chục năm và tiêu tốn hàng tỉ USD. Hiện tại chính phủ Iraq đang cố gắng thắt chặt an ninh bằng cách loại bỏ các băng nhóm tội phạm và dọn dẹp bom mìn, lựu đạn chưa nổ, vũ khí còn sót lại trong thành phố để người dân có thể yên tâm quay trở về cùng chính phủ xây dựng lại thành phố Mosul.

Nhà thờ al-Nuri bị phá hủy vào ngày 22 tháng 6 năm 2017. (Ảnh: Getty Images)

“Ở Mosul, công việc, nhà cửa, sinh kế, mọi thứ của chúng tôi đã biến mất nhưng chúng tôi vẫn có tình cảm với thành phố này. Tất cả người dân cùng giúp đỡ lẫn nhau xây dựng lại thành phố”, Ibrahim Mustafa cư dân thành phố Mosul nói.

Hiện tại, với sự giúp đỡ của Chương trình Phát triển LHQ, chính phủ Iraq sẽ nhanh chóng tiến hành các dự án để xây dựng lại bệnh viện và trường học. Tiếp sau đó sẽ bắt đầu khôi phục lại hệ thống giao thông và các công trình.

Xây dựng lại thành phố từ đống đổ nát có thể mất rất nhiều công sức và thời gian nhưng với sự quyết tâm cùng các chính sách hỗ trợ của quốc tế, tin rằng thành phố Mosul sẽ nhanh chóng được khôi phục lại như xưa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang