(CAO) Theo các nhà khoa học, nếu không có những biện pháp để ngăn chặn những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì thời tiết khắc nghiệt có thể giết chết tới 152.000 người hàng năm ở châu Âu vào năm 2100.
Số ca tử vong sẽ tăng gấp 50 lần so với các báo cáo hiện nay, theo nghiên cứu của tạp chí The Lancet Planetary Health. Các đợt nóng là nguyên nhân chính gây ra 99% các ca tử vong, đặc biệt Nam Âu sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Một khu rừng ở Artigues tại đông nam nước Pháp bị cháy do hạn hán. (Ảnh: AFP)
Các chuyên gia đang rất lo ngại về những dự đoán trên, một số người lại cho rằng có thể những dự đoán đã bị thổi phồng và làm nghiêm trọng hóa vấn đề. Tuy nhiên, nếu con người vẫn tiếp tục chặt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường và làm giảm lượng khí thải nhà kính thì những dự đoán trên nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực.
Lũ lụt tại Deggendorf ở miền nam nước Đức vào năm 2013. (Ảnh: AFP)
Theo dự đoán, cứ 3 người thì sẽ có 2 người ở châu Âu bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu vào năm 2100. Người dân sống ở các khu vực gần bờ biển sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng như ngập lụt, thiếu nước sinh hoạt, sạt lở, …
Giovanni Forzieri, một trong những tác giả của nhóm nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho biết: "Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa toàn cầu lớn nhất đối với sức khoẻ con người trong thế kỷ 21 và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gây ra những hiểm họa khó lường trước đối với đời sống con người”.
Một dòng sông biến mất do khí hậu nóng lên. (Ảnh: Abrar Hossain)
Các nhà khoa học của Ủy ban châu Âu đã đưa ra một viễn cảnh của tương lai vào năm 2100, khi đó khí hậu ở Trái Đất sẽ rất khắc nghiệt khiến hàng trăm ngàn người chết vì các cơn nóng sốt, bệnh tim và các vấn đề về hô hấp. Thậm chí, thế giới vào năm 2100 sẽ chịu hạn hán nghiêm trọng gây ra tình trạng thiếu lương thực và các vùng nông thông sẽ bị tàn phá bởi các vụ cháy rừng.
Viễn cảnh tồi tệ trên có thể tránh được nếu như chính phủ các nước nghiêm túc hơn trong vấn đề ngăn chặn biến đổi khí hậu. Cụ thể, chính phủ các nước cần phải giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch như năng lượng gió, mặt trời, …
Băng tại Nam Cực đang tan dần. (Ảnh: Kira Morris)
Tuy nhiên, các chuyên gia tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho rằng những dự đoán trên có thể đã bị thổi phồng quá mức. “Con người ngày nay đã biết cách thích ứng và khó bị tổn thương hơn trước đây do điều kiện thời tiết cực đoan vì những tiến bộ trong lĩnh vực y tế. Ngoài ra, điều hòa không khí và các công nghệ khác cũng có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ trong nhà", các chuyên gia tại Đại học Quốc gia Seoul nói.