Thành Rome bên bờ vực sụp đổ...

Thứ Năm, 16/07/2015 11:28  | Lê Linh

|

(CAO) Nhếch nhác và vô tổ chức, thành phố Rome (Ý) một lần nữa đang trong cơn suy tàn. Đó là những lời ngắn gọn để mô tả bức tranh toàn cảnh của Rome hiện nay.

Tòa thị sảnh Rome dường như đang tê liệt trước các cáo buộc mafia thâm nhập vào hội đồng thành phố. Trong khi đó, các dịch vụ cơ bản trong tình trạng xơ xác, sân bay chính của thành phố phải đóng cửa một phần và các cuộc đình công tự phát càng làm kiệt quệ mạng lưới giao thông công cộng vốn đã yếu kém.

Trong nhiều thế hệ, thủ đô của Ý đã nương tựa vào ánh hào quang của quá khứ hơn là phát huy chúng. Tình trạng bỏ bê, nạn tham nhũng và tệ quan liêu trong nhiều năm đã gây ra sự hủy hoại khủng khiếp đối với Rome.

Một phần sân bay Fiumicino đang bị phong tỏa sau vụ hỏa hoạn xảy ra cách đây hơn 2 tháng - Ảnh: Reuters

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, Chủ tịch Phòng Thương mại Rome Giancarlo Cremonesi buông ra những lời chua chát: "Rome bên bờ vực sụp đổ. Thật không thể chấp nhận được một thành phố lớn được xem là phát triển lại thấy chính mình đang trong tình trạng rục muỗng như vậy".

Sân bay tê liệt vì tranh cãi pháp lý

Là một trong 10 thành phố lớn nhất ở châu Âu, Rome tự hào sở hữu một số một số quảng trường, đài phun nước, viện bảo tàng và nhà thờ đẹp nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, các vấn đề Rome đang gặp phải rất dễ nhận thấy đối với tất cả mọi người bắt đầu từ ngõ quốc tế dẫn vào thủ đô: sân bay Fiumicino (sân bay lớn nhất Ý).

Sân bay này vẫn chưa thể trở lại hoạt động bình thường sau vụ hỏa hoạn ngày 5-7. Mặc dù đám cháy chỉ ảnh hưởng một nhà ga trong số ba nhà ga của sân bay nhưng hơn hai tháng sau đó, 40% tổng số chuyến bay vẫn bị hủy mỗi ngày vì tranh cãi pháp lý về mối nguy hiểm của các chất độc hại do vụ hỏa hoạn gây ra.

- Ảnh:

Các thẩm phán đã phong tỏa khu vực bị hỏa hoạn trong nhiều tuần để kiểm tra chất lượng không khí, trong khi đó nhiều ban ngành chức năng khác nhau vẫn tranh cãi bất tận về cách đánh giá mức độ ô nhiễm tại sân bay.

Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Ý Vito Riggio cho rằng tất cả các vật liệu bị cháy cần phải được thu dọn ngay lập tức để đẩy nhanh việc tu sửa.

Ông nói: "Thay vì vậy, nơi đây lại chính thức bị phong tỏa. Không ai có thể bước vào và nguồn độc hại tiếp tục gây ô nhiễm. Đây không phải là vấn đề khó nhận thấy nhưng không ai nói gì cả, ngay cả chính phủ Ý. Tôi không tin các nước khác cũng làm việc kiểu giống như vậy".

Văn phòng công tố Rome cho biết lệnh phong tỏa tạm thời đã được dỡ bỏ vào ngày 24-6 và không còn bất kỳ trở ngại pháp lý nào ngăn cản sân bay trở lại hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, vẫn chưa có ngày cụ thể nào được đặt ra để sân bay hoạt động đầy đủ trở lại và mùi của nhựa cháy vẫn còn đọng lại trong các phòng chờ khởi hành.

Xúc tu mafia len lỏi vào chính quyền

Trong khi đó, một cuộc điều tra mở rộng đang "nhấn chìm" thị sảnh Rome. Đó là cuộc điều tra "Mafia Capital" (Thủ phủ Mafia) do Văn phòng công tố Rome đảm nhiệm để làm rõ âm mưu cấu kết thao túng các dự án ở thành phố Rome của một mạng lưới các quan chức tham nhũng và các tay trùm tội phạm có liên quan đến thế giới ngầm ở Rome.

Cuộc điều tra đã gây chấn động nước Ý vào tháng 12-2014 khi một loạt vụ bắt giữ được tiến hành. Cuộc điều tra cho thấy tội phạm có tổ chức đã nảy nở vượt xa các lãnh địa truyền thống ở phía nam nước Ý.

Bị "chôn vùi" trong khoản nợ 14 tỷ euro, thành phố Rome đã thoát khỏi phá sản vào năm 2014 nhờ các khoản giải cứu khẩn cấp của chính quyền trung ương. Vụ bê bối tham nhũng liên quan đến mafia phần nào giải thích cho tình trạng tài chính bê bối của Rome hiện nay.

Tàu điện ngầm ở Rome thường xuyên đến trễ, khiến hành khách phải khổ sở chờ đợi trong thời tiết oi bức - Ảnh: Reuters

Các đoạn băng nghe lén điện thoại trong cuộc điều tra cho thấy các tay trùm mafia đã bòn rút ngân sách hàng triệu euro nhờ một loạt hợp đồng béo để thực hiện các dự án công từ xử lý chất thải cho đến xây dựng khu nhà ở cho người Romania nhập cư.

Phần lớn các cáo buộc tham nhũng xảy ra vào thời kỳ nắm quyền của thị trưởng tiền nhiệm Gianni Alemanno. Ông Alemanno đang bị điều tra dù ông khẳng định không làm gì sai trái.

Tuy nhiên, các thẩm phán cho biết các xúc tu của bọn tội phạm đã len lỏi sâu vào chính quyền thành phố Rome hiện nay, đang được điều hành bởi thị trưởng Ignazio Marino, một đồng minh chính trị của Thủ tướng Ý Matteo Renzi.

Trong khi ông Marino không bị điều tra, rất nhiều nhân viên của ông đang nằm trong tầm ngắm, dẫn đến một loạt vụ từ chức.

Một nguồn tin thành phố nói một cuộc thẩm tra chính thức đã đề nghị vô hiệu khoảng 30 hợp đồng lớn liên quan đến các dự án công và đưa ra đấu thầu lại.

Rác rưởi và nạn móc túi

Trong thời gian gần đây, lực lượng lái tàu điện ngầm đã tiến hành hàng loạt cuộc đình công để phản đối chuẩn mực mới buộc họ phải làm việc theo thời gian nghiêm ngặt hơn. Thị trưởng Marino nói đây là điều cần thiết để thúc đẩy năng suất lao động. Ông cho rằng trong khi các lái tàu ở Milan làm việc 1.200 giờ/năm thì tại Rome, lái tàu chỉ làm khoảng 730 giờ/năm.

Rác rưởi chất đầy ở khu trung tâm thành phố Rome - Ảnh: Reuters

Tranh cãi về vấn đề giờ giấc đã dẫn đến nhiều vụ đình công làm tàu điện ngầm đến trễ đến 25 phút, khiến hành khách phải vật vã trong thời tiết oi bức của tháng 7 và bày tỏ giận dữ trên mạng internet.

Rome là điểm du lịch nổi tiếng ở Ý, thu hút khoảng 10,6 triệu du khách nước ngoài trong năm 2014. Con số này giảm so với con số hơn 11 triệu du khách nước ngoài vào năm trước đó. Người dân địa phương nói rằng tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém đang gây tổn thất cho Rome.

Marcello Lazazzera, chủ một khách sạn nhỏ ở Rome nói: "Tất cả các khách hàng của tôi đều khen Rome đẹp nhưng họ cũng ta thán về các dịch vụ của thành phố. Tàu điện không bao giờ đến đúng giờ, các nhà ga thì nhan nhản những kẻ móc túi, đường phố đầy rác rưởi. Thay vì cần cải thiện, tình hình lại đang tồi tệ hơn".

Rome đang vụn vỡ

"Rome đang vụn vỡ", tờ báo chính của thành phố Il Messaggero đã giật tựa than thở như vậy trên trang nhất vào tuần trước. Trang bên trong của tờ báo là bài viết về nạn tàn phá của chuột đang tung hoàng ở trung tâm thủ đô.

Một cuộc khảo sát của Ủy ban châu Âu năm 2013 ở 28 thủ đô của Liên minh châu Âu đã đặt Rome nằm ở chót bảng về hiệu quả dịch vụ công và áp chót về mức độ hài lòng chất lượng cuộc sống.

Trong một bức thư gửi cho nhật báo Corriere della Sera (Ý) công bố vào hôm 13-7, thị trưởng Rome Marino thừa nhận một phần lớn của bộ máy hành chính công của Roma đã "rục muỗng về cơ bản".

Tuy nhiên, ông bày tỏ quyết tâm cải cách để vực dậy thành Rome đang tê liệt.

Trong tháng 7-2015, ông Marino đã huy động nhóm một nhóm gồm 500 nhân viên thành phố và tình nguyện viên để giúp dọn dẹp những không gian xanh đang bị bỏ bê của Rome.

Bình luận (0)

Lên đầu trang