Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục oanh tạc các căn cứ của người Kurde

Thứ Hai, 12/10/2015 14:18  | Bảo Tâm (Pháp)

|

(CAO) Báo chí Pháp và Đức đưa tin vào sáng ngày 12-10-2015,  không quân Thổ Nhĩ kỳ thông báo tiếp tục oanh tạc căn cứ của người Kurde tại phía bắc của Iraq vào ngày 11-10-2015, mặc dù trước đó, đảng PKK của người Kurde đã tuyên bố ngưng tất cả mọi hành động chiến tranh trước khi bầu cử vào ngày 01-11-2015 sắp tới, sau khi đã xảy ra vụ đánh bom ở Ankara.

Trong ngày 10-10-2015, 14 chiến binh PKK chết vì oanh tạc của không quân Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Diyarbakir thuộc phía đông nam của nước Thổ.

Chiến sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và dân tộc Kurde leo thang từ tháng 07-2015 sau gần hai năm đình chiến.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã yêu cầu đình chỉ mọi thương thuyết về vấn đề người di tản Trung Đông, khiến cho ông Phó chủ tịch cơ quan quản lý khối Liên minh châu Âu, Frans Timmermans, và ông Johannes Hahn, một thành viên quản lý cao cấp đã phải hủy bỏ chuyến đi làm việc với Ankara vào ngày Chủ nhật (11-10-2015) vừa qua. Họ hy vọng một cuộc gặp mới vào ngày 14-10 sắp đến.

Khối Liên minh châu Âu lấy làm tiếc về việc này, vì cơ quan quản lý Khối muốn báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào ngày  15-10-2015 tại Bruxelles, kết quả của cuộc thương thuyết với Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài từ nhiều tuần nay. Dựa trên kết quả của cuộc thương thuyết này mà các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ có quyết định về các điểm đề nghị với Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề người di tản Trung Đông.

Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục oanh tạc khu vực của PKK người Kurde, phá hủy hiệp ước đình chiến đã có từ gần hai năm nay

Trong chương trinh truyền hình về chính trị của đài BMFT ông Jacques Attali, cố vấn ngoại giao của cố tổng thống François Mitterrand, là nhà chính khách Pháp đầu tiên bày tỏ chính thức sự lo ngại rằng cuộc đánh bom vừa qua tại Ankara sẽ là ngòi nổ và thế giới đang trước những khả năng nguy kịch cho sự mở đầu cuộc đại chiến thế giới lần thứ ba.

Ông cho rằng, cái xấu phát triển nhanh hơn cái tốt, cuộc đánh bom Ankara kéo theo những liên minh đối lập, tương tự như trường hợp ám sát ông bà Đại công tước nước Áo tại Sarajevo (Serbia) vào ngày 28-06-1914 đã là ngòi nổ cho Đại thế chiến thế giới lần thứ nhất.

Tình hình chiến sự tại Syria là một thực tế, nhưng bên cạnh đó, tình hình chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ và sự tham chiến của nước này trên đất Syria và Iraq, chủ yếu là để chống lại người dân tộc Kurde, cộng thêm vấn đề người di tản Trung Đông xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho các quan hệ thế giới đều căng thẳng thêm. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên khối này cũng đã lên tiếng là sẽ bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trong mọi tình huống, vì thế, các sự kiện có thể là một cơn bão tuyết, sự kiện này cuốn lấy sự kiện kia, khiến cho một cuộc đụng độ giữa Nga và Mỹ có thể xảy ra "bất chợt".

Hiện tại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ quyết định tổ chức bầu cử vào ngày 01-11-2015. Nhiều nhà quan sát lo ngại tình hình diễn tiến của cuộc bầu cử này.

Lịch sử phát triển của dân tộc Kurde được ghi chép kể từ thế kỷ thứ nhất sau Thiên Chúa. Miền đất nơi họ sinh sống có tên là Kurdistan, nhưng tên miền này hiện nay bị cấm sử dụng vì lý do chính trị. Kể từ năm 1920, cách đây 95 năm, sau khi đế quốc Ottoman bị tan rã, các quốc gia chiến thắng Anh và Pháp chia nhau ảnh hưởng trong hiệp định Sèvres 1920, phần phía tây nam của Kurdistan sát nhập vào Syria và Liban dưới ảnh hưởng của Pháp, phần phía đông nam của Kurdistan sát nhập vào Iraq dưới ảnh hưởng của Anh, trong mục đích sẽ thành lập một quốc gia Kurde, một phần của đế quốc Ottoman.

Năm 1923, hiệp ước Lausanne ký ngày 24-07-1923, phân chia lại ảnh hưởng giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp và Ý trong sự phân chia biên giới các nước Trung Đông và bỏ quên vấn đề thành lập một quốc gia của người Kurde thêm một lần nữa, khiến cho người Kurde trở thành không có quốc gia. Nguyên nhân chính là để chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên là dầu lửa và nước của họ. Kể từ năm 1945, trong chinh sách muốn đồng hóa và diệt chủng, những gì liên quan đến bản sắc dân tộc Kurde đều chính thức bị cấm như quần áo truyền thống, ngôn ngữ, âm nhạc, văn học và báo chí. Nhưng kể từ năm 1980 các danh từ địa lý như Đông Kurdistan, Nam Kurdistan, Tây Kurdisten và Bắc Kurdistan được dần dần đưa vào sử dụng để nhắc nhở lại đất đai của người Kurde. Để chống lại bị diệt chủng, người Kurde đã phải phản kháng, nổi dậy nhiều lần, như đảng PKK (Đảng Lao động của người Kurde) được thành lập vào năm 1978.

Hiện nay, có từ 4 đến 5 triệu người Kurde sinh sống tại Iraq, 2 triệu tại Syria, từ 13 đến 20 triệu tại Thổ Nhĩ Kỳ, từ 5 đến 6 triệu tại Iran...và trên một số nước khác. Con số người Kurde di tản sang châu Âu được ước tính là khoảng 1 triệu người.

 

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang