(CAO) Những hình ảnh vệ tinh do Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) phối hợp cùng Cơ quan Không gian Châu Âu (CSA) công bố mới này cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc giảm rõ rệt từ khi dịch coronavirus chủng mới (nCoV) bùng phát.
Dịch bệnh khiến nhiều thành phố bị phong toả, hoạt động sản xuất ở các nhà máy bị buộc ngưng lại đi kèm các biện pháp hạn chế giao thông giữa các vùng miền để ngăn dịch đã giúp chất lượng không khí cải thiện.
Theo dữ liệu hình ảnh của 2 cơ quan này từ ngày 1 đến 20-1 cho thấy nồng độ Nitrogen dioxide (NO₂) ở mức cao trên toàn lãnh thổ Trung Quốc Đại lục. Nhưng từ ngày 10 đến 25-2 khi dịch bùng phát, nồng độ chất này trong không khí dường như biến mất.
Nồng độ NO₂ trên toàn lãnh thổ Trung Quốc giảm mạnh sau khi dịch bùng phát - Ảnh: NASA
NO₂ là chất khí màu vàng nâu phát ra từ các phương tiện cơ giới như ô tô hay phát ra từ hoạt động của các nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp. Nó có thể gây ra nhiều vấn đề về hô hấp như ho, hen suyễn và khó thở.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy chất khí này dường như biến mất ở Vũ Hán khi dịch bùng phát. Thành phố này vốn là một trung tâm công nghiệp quan trọng ở miền trung Trung Quốc.
Fei Liu, nhà nghiên cứu về chất lượng không khí ở NASA trong một thông cáo nhận định: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy sự biến mất của chất gây ô nhiễm không khí trên diện rộng vì một biến cố đặc biệt”.
Nồng độ NO₂ ở Vũ Hán từ mức cực cao (màu vàng đậm lan toả) đến ngày 25-2 khi trận dịch bùng phát gần như biến mất - Ảnh: NASA
Chất lượng không khí ngoài ra cũng được cải thiện khi các hoạt động di chuyển, vui chơi giải trí trong dịp Tết âm lịch năm nay ở Trung Quốc bị hạn chế để phòng dịch.