(CAO) Hôm 11-6, Reuters đưa tin chính quyền Mỹ và Canada tiếp tục bị lôi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao và thương mại khi các cố vấn của Nhà Trắng tiếp tục chỉ trích thủ tướng Canada Justin Trudeau, một ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích ông Trudeau “không trung thực và yếu kém”.
Trong khi đó hai thành viên khác của hội nghị thượng đỉnh G7 là Đức và Pháp chỉ trích tổng thống Trump rút khỏi tuyên bố chung G7 là hành động “phá huỷ lòng tin và thể hiện hành động không nhất quán”.
Sau khi ông Trump rời khỏi G7, thủ tướng Trudeau đã chỉ trích các biện pháp của Nhà Trắng áp thuế lên các mặt hàng nhôm và thép. Phía Mỹ lại cho rằng chỉ trích của Trudeau là “hành động đâm sau lưng” và “phản bội” lại mối quan hệ đồng minh.
Hôm 11-6, khi đang ở Singapore ông Trump tiếp tục đẩy mâu thuẫn tăng cao khi liên tục đăng tải những dòng tweet trên Twitter chỉ trích thủ tướng Trudeau. Ông viết: “Thương mại công bằng nay nên được gọi là thương mại giả dối nếu nó không mang tính tương xứng”. Ông chủ Nhà Trắng cũng chỉ trích Canada bấy lâu đã trục lợi từ hoạt động thương mại với Mỹ.
Thức dậy ở Singapore, ông Trump tweet “nổi xung” trên Twitter sau khi chỉ trích Canada, ông lại quay sang chỉ trích cả NATO và Liên minh Châu Âu (EU). Với NATO ông nhấn mạnh: Mỹ đang phải chi trả nhiều chi phí cho NATO để “bảo vệ nhiều nước mà sau đó chính họ lại quay sang chỉ trích chúng tôi”. Với EU, ông đòi “phải trả thêm các khoản chi quân sự” thay vì để Mỹ gánh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Canada Trudeau bất đồng sâu sắc tại hội nghị G7- Ảnh: Reuters
Hoà giọng với ông Trump là cố vấn thương mại của Nhà Trắng Larry Kudlow khi chỉ trích thủ tướng Canada – Trudeau “đâm sau lưng” khi chỉ trích các chính sách áp thuế của Mỹ.
Năm nay, New York Times đánh giá hội nghị G7 đã trở thành thảm hoạ với bản chất là hội nghị “G6+1” khi Mỹ đứng ở một phía so với các nước còn lại. Ông Trump mang chủ nghĩa bảo hộ với chính sách “nước Mỹ trên hết” đến cho 6 thành viên ủng hộ toàn cầu hoá.
Bằng việc tăng các sắc thuế lên các mặt hàng nhôm và thép, rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran, rút khỏi hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, G7 năm nay chứng kiến sự cô lập của Trump với những lãnh đạo khác.
Bức ảnh ông Trump ngồi khoanh tay, phía sau là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Bolton với dàn lãnh đạo đứng đối mặt trong đó bà Merkel – thủ tướng Đức nhìn chằm chằm vào ông chủ Nhà Trắng cho thấy sự rạn nứt của nhóm này.
Bức ảnh "để đời" tại G7 khi ông Trump đối mặt với các lãnh đạo còn lại của G7 - Ảnh: Jesco Denze
Tổng thống Pháp Macron trước đó còn khẳng định Mỹ có thể bị loại khỏi G7.