Đại sứ quán Nga tiết lộ các nhà ngoại giao nước ngoài đang rời khỏi Triều Tiên

Thứ Bảy, 03/04/2021 12:25  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 3-4, CNN dẫn thông tin từ Đại sứ quán Nga ở Bình Nhưỡng cho biết các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ nước ngoài đang rút khỏi CHDCND Triều Tiên trong những tháng gần đây do thiếu nhu yếu phẩm và phải đối mặt với những hạn chế "chưa từng có" đối với cuộc sống hàng ngày được chính quyền áp đặt để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Đại sứ quán Nga cho biết trong một tuyên bố trên trang Facebook chính thức của mình rằng hiện chỉ còn 290 người nước ngoài ở Triều Tiên, bao gồm chỉ 9 đại sứ và 4 nhân viên phụ trách. Tất cả nhân viên nước ngoài làm việc cho các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nhân đạo đã rời khỏi nước này.

"Không phải ai cũng có thể chịu được mức độ áp dụng chưa từng có của các hạn chế hoàn toàn, sự thiếu hụt trầm trọng hàng hóa cần thiết, bao gồm cả thuốc (và) thiếu cơ hội giải quyết các vấn đề sức khỏe" - đại sứ quán cho biết trong bài đăng.

Trước đại dịch Covid-19, Nga có một trong những cơ quan đại diện ngoại giao lớn nhất ở Triều Tiên, nhưng sự hiện diện của họ gần đây đã giảm dần. Nhiều tháng sống với các biện pháp phong toả y tế nghiêm ngặt và đương đầu với tình trạng thiếu hụt đến mức cực độ của "hàng hóa cần thiết", bao gồm cả thuốc men, dường như khiến các nhà ngoại giao không còn chịu nổi.

Biên giới của Triều Tiên đã bị phong toả một cách hiệu quả trong nhiều tháng như một phần trong nỗ lực của chính quyền Kim Jong Un nhằm giữ Covid-19 không xâm nhập, gây khó khăn cho một số nhà ngoại giao hoạt động ở Bình Nhưỡng.

Người dân Triều Tiên di chuyển trong tuyết rơi ở Bình Nhưỡng - Ảnh: AFP

Hãng hàng không quốc doanh của Triều Tiên Air Koryo khai thác các chuyến bay đến Vladivostok ở miền đông nước Nga, nhưng tuyến đường này cũng đã bị đình chỉ trong nhiều tháng. Rời khỏi Triều Tiên hiện nay được cho là khá khó khăn.

Vào tháng 2, một số nhà ngoại giao Nga đã dành hơn 34 giờ để cố gắng rời khỏi đất nước, một chuyến đi mệt mỏi kết thúc với việc ít nhất một phái viên phải đẩy hành lý và đặt con mình lên chiếc xe đẩy, để đẩy trên đường sắt đến khu vực sát biên giới.

Các chuyên gia tin rằng ông Kim đã quyết định cắt đứt gần như tất cả các tuyến đường giao thương, di chuyển của Triều Tiên với thế giới bên ngoài vì ông nhận ra hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước mình sẽ bị quá tải bởi một đợt bùng phát Covid-19.

Chiến lược của ông Kim dường như đã hoạt động trên quan điểm sức khỏe cộng đồng.

Các nhà ngoại giao, nhân viên cứu trợ và nhân viên tổ chức phi chính phủ đã chọn rời khỏi Triều Tiên thay vì có nguy cơ bị mắc kẹt do các biện pháp kiểm soát biên giới thiếu linh hoạt và nghiêm ngặt của đất nước, làm thu hẹp cộng đồng người nước ngoài vốn đã có quy mô nhỏ của Bình Nhưỡng.

Đại sứ Nga tại Triều Tiên - Alexander Matsegora gần đây cho biết các cửa hàng tạp hóa bắt đầu hết thực phẩm sau quyết định gần như ngừng nhập khẩu của Bình Nhưỡng vào tháng 9.

Các bình luận đã gây ngạc nhiên vì Triều Tiên có quan hệ chặt chẽ hơn với Nga so với hầu hết các quốc gia khác ngoại trừ Trung Quốc.

Trong khi Kim và các nhà lãnh đạo Triều Tiên khác thừa nhận nền kinh tế của đất nước đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, họ không thừa nhận nguồn cung cấp thực phẩm của họ đang bị căng thẳng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang