(CAO) Hôm 1-4, Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi sử dụng quyền lực của chính phủ để định hình lại nền kinh tế lớn nhất Thế giới và chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc trong một đề xuất trị giá hơn 2 nghìn USD nhằm giải quyết vấn đề việc làm.
“Kế hoạch việc làm của Mỹ” của chính quyền tổng thống Biden sẽ đưa các công ty Mỹ vào tầm ngắm khi chính phủ lên kế hoạch tạo ra hàng triệu việc làm để xây dựng cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như đường xá, giải quyết biến đổi khí hậu và tăng cường các dịch vụ con người như chăm sóc người già.
“Đó là khoản đầu tư chỉ có một lần ở Mỹ, không giống như bất cứ điều gì chúng ta đã thấy hoặc làm kể từ khi chúng ta xây dựng hệ thống đường cao tốc giữa các tiểu bang và cuộc đua không gian cách đây nhiều thập kỷ” - Biden nói trong buổi giới thiệu chương trình ở Pittsburgh.
Biden cho biết ông cũng nhắm đến việc chấm dứt tình trạng các công ty khổng lồ như Amazon trả rất ít tiền thuế liên bang.
Đề xuất lập pháp trị giá hàng tỷ USD của Biden trong hai tháng cầm quyền đã tạo tiền đề cho một cuộc đụng độ đảng phái tại Quốc hội Mỹ nơi các thành viên phần lớn đồng ý rằng các khoản đầu tư là cần thiết nhưng đồng thời chi quá nhiều cũng gây ra nhiều quan ngại về các vấn đề kinh tế kéo theo như lạm phát tăng.
Một đề xuất kinh tế khác mà Biden sẽ đưa ra vào tháng 4 có thể tăng thêm 2 nghìn tỷ USD vào gánh nặng ngân sách.
Cùng với gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD được ban hành gần đây của ông, sáng kiến cơ sở hạ tầng của Biden sẽ mang lại cho chính phủ liên bang một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế Mỹ cũng gây ra nhiều lo ngại.
Kế hoạch việc làm của Biden với mục tiêu cạnh tranh với Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Nhóm của Biden tin rằng nỗ lực do chính phủ chỉ đạo nhằm củng cố nền kinh tế là cách tốt nhất để cung cấp sự hỗ trợ cho một nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19 và đang đối mặt với sự gia tăng cạnh tranh và mối đe dọa an ninh quốc gia do Trung Quốc gây ra.
Đề xuất đã được chào đón nhiệt liệt bởi những người bảo thủ và các nhóm kinh doanh lớn.
Tuy nhiên Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitch McConnell đã phản đối kịch liệt kế hoạch việc làm này của Biden. Ông cho rằng việc tăng thuế sẽ “giết chết việc làm và làm chậm tốc độ tăng lương khi người lao động cần phục hồi nhanh chóng”.
Biden hiện đang phớt lờ lời hứa của chiến dịch tranh cử là sẽ tăng thuế đối với những người giàu, ít nhất là vào lúc này.
Thay vào đó, kế hoạch việc làm sẽ tăng thuế suất doanh nghiệp lên 28% từ 21% và thay đổi mã số thuế để đóng các lỗ hổng cho phép các công ty chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, theo một báo cáo tóm tắt dài 25 trang do Nhà Trắng công bố.
Biden cho biết mục tiêu không phải là "nhắm vào" các doanh nghiệp mà là giải quyết tình trạng chia rẽ và bất bình đẳng đang trở nên tồi tệ hơn do đại dịch gây ra.
Kế hoạch sẽ dàn trải chi phí cho các dự án trong thời gian 8 năm mà không làm tăng thêm nợ dài hạn của đất nước, Nhà Trắng cho biết.
Neil Bradley, giám đốc chính sách của Phòng Thương mại Mỹ cho biết trong khi tổ chức này chia sẻ cảm giác cấp bách của Biden về cơ sở hạ tầng, kế hoạch của ông bị cho là "sai lầm một cách nguy hiểm."
Đầu tư vào hạ tầng như đường xá là một trong những nội dung chính trong kế hoạch này - Ảnh: Reuters
Bradley nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc tăng thuế chung do chính quyền đề xuất sẽ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế và khiến Mỹ kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu”.
Kế hoạch này bao gồm 621 tỷ USD để xây dựng lại cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như cầu, đường cao tốc và cảng, và khoản đầu tư lịch sử trị giá 174 tỷ USD vào thị trường xe điện đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới xe điện và trạm sạc trên toàn quốc vào năm 2030.
Các quan chức chính quyền cũng cho biết họ hy vọng giải quyết tình trạng bất bình đẳng kinh tế do phân biệt chủng tộc tạo ra, chẳng hạn như cắt giảm ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến các cộng đồng người da đen và gốc Tây Ban Nha gần các cảng hoặc nhà máy điện.
Quốc hội sẽ được yêu cầu đầu tư 400 tỷ USD để mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc cộng đồng với giá cả phải chăng cho người già ở Mỹ và người khuyết tật…