Dân Mỹ bước vào ngày bỏ phiếu chọn tổng thống thứ 45 trong lịch sử

Thứ Ba, 08/11/2016 20:12  | Anh Duy

|

(CAO) Từ 18h chiều nay 8-11 (giờ VN) đến 6h sáng mai 9-11, người dân Mỹ đã bắt đầu đến các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc để bầu ra vị tổng thống thứ 45 trong lịch sử. Ứng cử viên lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hoà Hillary Clinton và Donald Trump đang so kè sát sao về tỉ lệ ủng hộ. 

Tính đến thời điểm này, Trump đang dẫn trước bà Clinton tại một số điểm bỏ phiếu đầu tiên ở bang New Hampshire (bờ Đông nước Mỹ).

Tình hình này cho thấy sự bất ngờ, kịch tính của mùa bầu cử Mỹ năm nay. Hai ứng viên Trump - Clinton với những quan điểm đối lập nhau về chính sách tranh cử đang hồi hộp chờ đợi thời khắc phán quyết. Dự kiến kết quả sẽ được công bố sớm nhất vào 7h sáng mai 9-11 (giờ VN). 

Vẫn phát ngôn "gây sốc", Trump cho biết mình đã tốn khoảng 100 triệu USD cho tranh cử và cho biết nếu không thắng cử, ông sẽ xem việc ra tranh cử của mình là việc làm tốn thời gian và tiền của. Tuy nhiên ông cũng bày tỏ sự tự tin rằng mình sẽ chiến thắng. 

Trump và bà Clinton nay đã có mặt tại thành phố New York để chuẩn bị cho tiệc chiến thắng. Cuộc bầu cử Mỹ được xem là cuộc bỏ phiếu "được ăn cả, ngã về không" vì thực chất nhân tố quyết định chiến thắng của các ứng viên chính là lá phiếu của các đại cử tri. Trump và Clinton cần mỗi người tối thiểu 270 phiếu đại cử tri để chiến thắng. Các đại cử tri chính là các thượng và hạ nghị sĩ trong lưỡng viện Quốc hội Mỹ, trong đó số đại cử tri là hạ nghị sĩ sẽ dao động tuỳ theo quy mô dân số của từng bang. 

Bà Clinton vẫy chào đám đông ở một điểm bỏ phiếu tại New York - Ảnh: Reuters

Năm nay nước Mỹ chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc của các cử tri. Tầng lớp trung lưu, người da màu có xu hướng nghiêng về phía Clinton. Trong khi những cử tri da trắng thuộc tầng lớp bình dân ở các vùng nông thôn. Những người thất nghiệp, thất bại trong cuộc chơi toàn cầu hoá lại ủng hộ Trump. 

Trump phản đối các hiệp định thương mại như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ủng hộ xu hướng chuyển dịch các nhà máy sản xuất của các công ty Mỹ từ những nước như Mexico hay Trung Quốc về nước để sử dụng nguồn nhân công trong nước nhằm tạo việc làm. Ông muốn làm nước Mỹ "vĩ đại trở lại". Vị tỷ phủ New York cũng biểu lộ xu hướng dân tộc chủ nghĩa khi đòi cấm người nhập cư trái phép vào Mỹ, xa rời các đồng minh lâu đời như Hàn Quốc và Nhật khi cho rằng Washington bỏ tiền túi đóng góp quá nhiều để duy trì các mối quan hệ quốc tế. Trump theo đúng kiểu thực dụng của những nhà kinh doanh: cái gì có lợi có lời thì mới duy trì. 

Trump phát biểu tại sự kiện vận động ở Grand Rapids, Michigan - Ảnh: Reuters.

Trong khi đó bà Clinton có xu thế ôn hoà hơn khi đặt nước Mỹ vào mạng lưới các mối quan hệ quốc tế có qua có lại. Bà thừa biết nước Mỹ cần nhận được sự ủng hộ của quốc tế qua kinh nghiệm thời còn làm ngoại trưởng của mình. Về đối nội, Clinton sẽ tiếp tục các chính sách còn dang dở thời Obama như chương trình chăm sóc y tế kèm bảo hiểm Obamacare, tạo ra nhiều việc làm ở các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng sạch. Tìm lại sự bình đẳng cho phụ nữ bằng việc nâng lương kèm chế độ thai sản phù hợp cho phụ nữ. Bà cũng nhăm nhe tăng thuế đối với tầng lớp giàu có. Clinton cho rằng nước Mỹ trước nay đã vĩ đại sẵn, không cần phải làm cho nó "vĩ đại trở lại" như khẩu hiệu vận động của Trump. 

Cử tri đi bầu tại Public School P.S. 59 ở khu Manhattan (New York) ngày 8-11 - Ảnh: Reuters

Đến 21h tối nay, Trump đang vượt mặt bà Clinton khi chiếm ưu thế về số phiếu đại cử tri ở hàng loạt bang quan trọng như Nevada, Ohio hay Florida với 74 phiếu đại cử tri. Trong khi với 72 phiếu, bà Clinton chiếm ưu thế ở các bang như Colorado, Michigan, Wisconsin...

Tuy nhiên, kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos States trước thời điểm bầu cử cho thấy bà Clinton có 90% khả năng chiến thắng, và dự đoán Clinton có khả năng có 303 phiếu đại cử tri, Trump có 235 phiếu đại cử tri

Cả thế giới đang hồi hộp dõi theo kết quả bầu cử Mỹ. Trump hay Clinton?. Liệu nước Mỹ sẽ có nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử? Tất cả sẽ có câu trả lời trong vài giờ nữa. 

Cử tri đi bỏ phiếu tại trường James Weldon, Manhattan, New York - Ảnh: Reuters

Bình luận (0)

Lên đầu trang