Bầu cử Mỹ:

Trump và Clinton đấu khẩu về kinh tế trong phiên vận động cuối

Chủ Nhật, 06/11/2016 00:07  | Anh Duy

|

(CAO) Chỉ còn hơn 2 ngày, cử tri trên khắp nước Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu ra tổng thống thứ 45 trong lịch sử. Hai đối thủ Donald Trump – đảng Cộng hòa và Hillary Clinton – đảng Dân chủ đã tranh thủ những giờ phút cuối cùng để hút phiếu cử tri bằng chính sách vận động về kinh tế.

Reuters đưa tin bà Clinton đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Mỹ khi ca ngợi báo cáo mới nhất về tình hình việc làm ở nước này. Trong khi đó, Trump bác bỏ báo cáo này, gọi đây là một thảm họa “lừa đảo”.

Những đòn đánh dưới thắt lưng được cả hai liên tiếp đưa ra nhằm hạ bệ uy tín của đối thủ và hút phiếu của cử tri. Theo kết quả thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos, bà Clinton hiện đang dẫn trước Trump 5 điểm phần trăm vào hôm 4-11, duy trì lợi thế của mình trước đối thủ.

Từ ngày 30-10 đến những ngày đầu tháng 11, 3 cuộc thăm dò cho thấy 44% cử tri dường như đang nghiêng về phía Clinton, 39% ủng hộ Trump.

Bà Clinton kết thúc chiến dịch vận động tranh cử bằng buổi hòa nhạc tại Cleveland với sự tham gia của rapper Jay Z. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta còn những công việc chưa hoàn thành, những rào cản chưa bị xóa bỏ và với sự giúp đỡ của các bạn, một bức trần kính sẽ bị phá vỡ một lần và cho tất cả” (thuật ngữ bức trần kính (glass-ceiling) chỉ những giới hạn phụ nữ gặp phải trong đấu tranh bình đẳng giới).

Trong khi đó, tại buổi vận động tranh cử cuối cùng tại bang Pennsylvania, Trump mỉa mai bà Clinton khi tổ chức buổi hòa nhạc hoành tráng. Ông nhấn mạnh: “Tôi có mặt ở đây một mình. Chỉ một mình tôi, không đàn ghi-ta, không piano, không gì cả”.

Bà Clinton trong phiên vận động cuối cùng tại Cleveland - Ảnh: Reuters

Một ngày trước tại buổi vận động ở Pittsburgh, Clinton đã trích dẫn lại báo cáo mới nhất về việc làm của chính phủ như minh chứng cho sức mạnh của nền kinh tế. Báo cáo cho thấy mức lương cao hơn cho những công nhân cũng như việc tạo ra 161.000 việc làm mới trong tháng 10 và tỉ lệ thất nghiệp dao động trong khoảng từ 4,9 đến 5%.

Reuters dẫn lời bà Clinton nhấn mạnh: “Tôi tin rằng nền kinh tế của chúng ta đã sẵn sàng để cất cánh và phát triển. Khi tầng lớp trung lưu phát triển, nước Mỹ sẽ phát triển mạnh”. Trước nay bà Clinton vẫn xem tầng lớp trung lưu là “xương sống” của nền kinh tế.

Phản pháo lại sự lạc quan của bà Clinton, ông Trunp cho rằng báo cáo việc làm tháng 10 rõ ràng “là một thảm họa không hơn không kém” khi nó bỏ qua một số lượng lớn những người nay đã ngưng tìm kiếm việc làm và đã lâu không còn tham gia vào thị trường lao động”.

Ông Trump chỉ trích số liệu của Bộ Lao động Mỹ: “Không ai tin bất cứ một con số nào trong đó. Những con số đó là giả mạo”.

Ông Trump trong phiên vận động cuối  -  Ảnh: Reuters

Cả hai ứng cử viên đã dừng chiến dịch vận động của mình vào hôm 4-11 tại New Hampshire (với Trump) và tại Michigan (với bà Clinton). Cả hai đang kịch liệt giành phiếu vào phút cuối để đạt được 270 phiếu đại cử tri cần thiết để thắng cử.

Tại cuộc bầu cử Mỹ, thực ra cử tri chỉ bầu gián tiếp các ứng viên. Quyết định chính thuộc về Đại cử tri đoàn (Electoral college) với 538 đại cử tri trên toàn quốc tương đương với số nghị sĩ tại Quốc hội Mỹ (gồm Thượng viện và Hạ viện). Mỗi ứng viên phải đạt được ít nhất 270 phiếu đại cử tri ủng hộ. Mỗi bang gồm 2 thượng nghị sĩ và số hạ nghị sĩ dao động tùy theo quy mô dân số của bang đó. Vì thế số lượng đại cử tri ở mỗi bang khác nhau khiến các ứng viên phải vận động tranh cử qua các bang để nhận được những lá phiếu giá trị này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang