(CAO) Hôm 27-8, CNN đưa tin một cuộc điều tra độc lập của LHQ đã tố các lãnh đạo quân đội Myanmar có những hành động vi phạm nhân quyền, đồng thời kêu gọi chính quyền nước này điều tra và truy tố các tội danh diệt chủng, phạm tội chống lại nhân loại và tội phạm chiến tranh chống lại sắc dân Hồi giáo Rohingya.
Báo cáo từ cuộc điều tra bao gồm các cáo buộc giết người, bỏ tù không thông qua xét xử, bạo lực tình dục chống lại tộc người này một cách có hệ thống, được tiến hành bởi quân đội Myanmar. Từ trước đến nay quân đội nước này vẫn xem hành động đàn áp người Rohingya là hành động chống khủng bố vì họ cho rằng các tay súng của lực lượng phiến quân xuất thân từ tộc người này đã tấn công nhân viên công quyền và các sắc dân theo đạo Phật ở bang Rakhine.
Báo cáo còn đề xuất đưa vụ việc ra toà án hình sự quốc tế ở La Haye để xét xử. 6 lãnh đạo quân đội bao gồm tổng tư lệnh Min Aung Hlaing cũng được nêu tên trong báo cáo.
Hàng ngàn người Rohingya phải ly hương do bạo động sắc tộc ở quê nhà - Ảnh: AP
Cố vấn quốc gia – bà Aung San Suu Kyi cũng đang bị cáo buộc đồng loã với hành động của quân đội khi không dùng quyền của mình để ngăn chặn bất ổn ở bang Rakhine, để xảy ra tình trạng bạo lực leo thang với tộc người này.
Chỉ trong tháng 8 vừa qua đã có hàng ngàn người Rohingya vượt biên qua biên giới Bangladesh để tị nạn khi họ tố ở quê nhà bị quân đội Myanmar đàn áp dã man trong hành động có hệ thống được xem là “một cuộc thanh trừng sắc tộc”.
Quân đội Myanmar vẫn đang ra sức bác bỏ cáo buộc họ tấn công những thường dân người Rohingya không có vũ khí trong tay. Quân đội Myanmar cho biết đối tượng họ nhắm đến là những tay súng thuộc lực lượng phiến quân ly khai của tộc người này được cho đã tổ chức nhiều đợt tấn công vào các đồn bốt cảnh sát gây bất ổn trong khu vực.
Đến nay quân đội Myanmar vẫn không cho cộng đồng quốc tế tiếp cận đến những khu vực chịu ảnh hưởng bởi bạo động, tuy nhiên nhóm điều tra độc lập đã tiến hành phỏng vấn 875 cuộc với các nạn nhân và những nhân chứng, kết hợp với phân tích ảnh vệ tinh và các nguồn tài liệu khác để đưa ra kết luận về những vụ thanh trừng.
Dự kiến vào tháng sau, nhóm điều tra sẽ công bố đầy đủ 400 trang báo cáo về tình hình tại đây và đưa ra những khuyến nghị lên LHQ.