Đức bắt hai anh em âm mưu tấn công trung tâm thương mại

Thứ Sáu, 23/12/2016 13:16  | Anh Duy

|

(CAO) Khi vụ tấn công bằng cách lao xe vào đám đông tại tây Berlin hôm 19-12 vẫn chưa bắt được thủ phạm, hôm 23-12, BBC đưa tin giới chức Đức đã bắt giữ hai người bị cáo buộc lên kế hoạch tấn công một trung tâm mua sắm.

Hai người bị bắt là hai anh em, một người 31 tuổi, người còn lại 28 tuổi, sinh ở Kosovo, bị bắt vào rạng sáng ngày 23-12 ở Duisburg. Cả hai đã lên kế hoạch tấn công ở trung tâm mua sắm CentrO tại Oberhausen, gần biên giới với Hà Lan.

Vụ bắt giữ xảy ra chỉ 2 ngày sau khi một người lái xe tải tông vào đám đông ở một khu chợ Giáng sinh có tên Breitscheidplatz, ở khu tây Berlin khiến 12 người chết. Nghi can là Anis Amri, 24 tuổi, gốc Tunisia hiện đang bị truy nã gắt gao trên toàn Châu Âu.

Người dân đặt nến và hoa tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công ngày 19-12 - Ảnh: AP 

Các vụ tấn công liên tiếp khiến Đức đặt an ninh lên mức báo động. Cảnh sát phải bận thường phục để tuần tra ở những khu vực đông người qua lại.

CHÂU ÂU BẤT AN TRƯỚC THỀM NĂM MỚI 

Vụ tấn công bằng xe tải vào tối 19-12 (giờ địa phương) nhắm vào đám đông ở khu chợ Breitscheidplatz bán đồ Giáng sinh trước nhà thờ, đã đưa Đức trở thành địa điểm kế tiếp sau Pháp, Bỉ hứng “làn sóng” tấn công khủng bố tại châu Âu trong năm 2016.

Bắt đầu bằng sự kiện nhóm chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trà trộn vào dòng người tị nạn đến châu Âu, tấn công hàng loạt địa điểm tại Paris (Pháp) vào ngày 13-11-2015 cướp đi sinh mạng 130 người. Đến ngày 22-3 năm nay, sân bay và tàu điện ngầm tại Brussels (Bỉ) rung chuyển bởi loạt đánh bom khiến hàng chục người thiệt mạng. Hôm 14-7, ngay ngày Quốc khánh Pháp, một kẻ khủng bố đã lái xe tải tông thẳng vào đám đông tại thành phố Nice khiến 84 người thiệt mạng. Và đến cuối năm, thảm kịch lại tái diễn ở Berlin hôm 19-12, với mô thức hành động tương tự vụ tấn công ở Nice, biến châu Âu năm qua trở thành “điểm nóng” an ninh trên Thế giới.

Có hai vấn đề được bàn luận xuyên suốt về nguy cơ an ninh bị đe dọa trên toàn châu Âu năm vừa qua: đó là làn sóng người di cư ồ ạt tràn sang châu Âu từ các vùng chiến sự tại Trung Đông và Bắc Phi như Libya hay Syria. Vấn đề còn lại là sự trỗi dậy của IS. Mất dần lãnh thổ chiếm đóng tại Iraq và Syria, IS chuyển hướng tấn công ra bên ngoài với mục tiêu chính là Bắc Mỹ và châu Âu.

Để di chuyển từ “sào huyệt” Trung Đông đến những khu vực này, dòng người di cư chính là kênh “vận chuyển” vô cùng hữu hiệu. Sau vụ lao xe vào khu chợ Giáng sinh tại Đức, truyền thông lập tức rò rỉ tin rằng nghi phạm bị bắt (sau đó đã được phóng thích) “có thể đến từ Pakistan”, tới Đức ngày 31-12-2015, đã nộp đơn xin quy chế tị nạn nhưng còn “kẹt” lại.

Chỉ bấy nhiêu đã khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel trở thành tâm điểm chỉ trích, khi chính sách thu nhận người di cư từ các nước có chiến sự ở Trung Đông như Syria của chính quyền đang được tiến hành, bất chấp làn sóng chỉ trích của dư luận. Năm qua, Đức đã tiếp nhận 890.000 người. Khả năng các phần tử cực đoan từ “thủ phủ” IS tại Iraq có thể trà trộn vào dòng người này đến Đức và các nước châu Âu khác, để tiến hành các vụ tấn công là hoàn toàn có thể xảy ra.

Hiện trường vụ tấn công bằng xe tải ngày 19-12 tại Đức - Ảnh: Bild

Tại Pháp, loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra thời gian qua cũng khiến uy tín Tổng thống Francois Hollande lao dốc không phanh. An ninh giờ đây trở thành chủ đề chính, khiến chính quyền nào không ngăn được các vụ khủng bố thì sự nghiệp chính trị cũng có nguy cơ chấm dứt. Sự bi quan đang lan tràn.

Cách đây vài tháng, tờ Time dẫn lời Patrick Calvar - người đứng đầu cơ quan an ninh nội địa Pháp thất vọng thốt lên: “Chúng ta đang đứng trên bờ vực của nội chiến”, còn Thủ hiến bang Bayern (Đức) cảnh báo: “Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đã tràn đến nước Đức”. Chính sách bài ngoại, thù ghét người di cư cũng được dịp nảy sinh. Như Đảng cực hữu Lựa chọn thay thế cho nước Đức (Alternative for Germany) từ nhiều tháng qua, đã lên tiếng đòi trục xuất trên diện rộng những người di cư bị từ chối cấp quy chế tị nạn.

Để tiến hành các vụ tấn công ở bất kỳ đâu, các tổ chức khủng bố như IS đã kêu gọi những kẻ tấn công tận dụng mọi phương tiện có trong tay, từ dao, đá tảng, chất độc đến xe tải... Vũ khí thô sơ hay công nghệ thấp đang được bọn chúng nhắm đến.

Như vậy, các phần tử cực đoan một mặt thay đổi phương thức và phương tiện tấn công, mặt khác lợi dụng tâm lý lo sợ, bất an về an ninh để tạo nên mâu thuẫn xã hội qua việc bài xích người di cư, mục đích khiến uy tín các chính quyền suy yếu để tạo lỗ hổng cho chúng tấn công, như một cơ thể bị tước dần kháng thể để vi-rút hoành hành.

2017 dự báo sẽ là một năm cam go, cần sự bản lĩnh của các chính quyền châu Âu trong nỗ lực chống khủng bố, để thảm kịch không còn tái diễn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang