(CAO) Đến chiều 12-6, Reuters đưa tin lực lượng cảnh sát Hong Kong đã bắn đạn cao su và xịt hơi cay vào đám đông biểu tình chống dự luật dẫn độ.
Trong khi đó đám đông ném chai nhựa đựng nước vào lực lượng cảnh sát để đáp trả. Bầu không khí hỗn loạn bao trùm thể hiện sự tức giận của người dân đặc khu trước dự luật về khả năng người dân nơi đây hay bất kỳ người mang quốc tịch nào cũng có khả năng bị dẫn độ từ Hong Kong về Trung Quốc đại lục để xét xử.
Hàng chục ngàn người biểu tình đã tập hợp, biểu tình ôn hoà cùng nhau bên ngoài trụ sở Cơ quan lập pháp Hong Kong trước khi đụng độ xảy ra.
Cảnh sát cảnh báo: ‘Chúng tôi sẽ sử dụng vũ lực”.
Xe cứu thương đã được điều đến khu vực biểu tình trong bối cảnh một số người biểu tình đã bị thương, đa số bị bỏng nhẹ ngoài da do dính hoá chất trong bình xịt hơi cay của cảnh sát.
Cảnh sát trưởng Hong Kong - Stephen Lo cảnh báo: “Người biểu tình phải ngưng hành động bạo lực”, đồng thời cảnh báo cư dân tránh xa khu vực bạo động. Ông cũng xác nhận cảnh sát đã sử dụng đạn cao su đối với người biểu tình.
Cảnh sát bắn đạn cao su giải tán người biểu tình - Ảnh: Reuters
Những người biểu tình, đa số là những người trẻ, mặc đồ đen đã cố xô đẩy các thanh chắn để xông vào khu vực trụ sở của Hội đồng lập pháp. Nhiều người kêu gọi đặc khu trưởng Hong Kong – bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức.
Những người Hong Kong tức giận vì khi được trao trả về Trung Quốc đại lục năm 1997, Bắc Kinh áp dụng mô hình “Một quốc gia, hai chế độ” để đảm bảo giữ nguyên cơ chế đặc thù của Hong Kong. Nơi này có quyền tự trị cao với một hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với Trung Quốc, với quyền tự do ngôn luận và báo chí cao.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, nhiều người dân Hong Kong cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang cố làm xói mòn cơ chế đặc thù này, can thiệp vào các cuộc bầu cử địa phương và cáo buộc đứng sau các vụ “mất tích” của 5 người Hong Kong là chủ các hiệu sách chuyên phát hành các ấn phẩm chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Vòi rồng cũng được sử dụng để giải tán đám đông - Ảnh: Reuters
Dự luật dẫn độ gây lo ngại có thể bị Bắc Kinh biến thành “công cụ” để dẫn giải những người bất đồng chính kiến về Đại lục xét xử.
Một viễn cảnh bị xét xử dưới tay một nền tư pháp khác so với ở nơi sinh ra khiến người dân Hong Kong lo sợ. Họ không tin tưởng hệ thống toà án xét xử ở Trung Quốc, vốn bị cho là có nhiều bất cập.
Vì thế cuộc xuống đường lần này gây chú ý cho cộng đồng quốc tế. Nếu bà Nga tiếp tục thúc đẩy dự luật được thông qua, nó sẽ trái ý với nguyện vọng của nhiều người dân Hong Kong. Đó là điều người dân nơi đây muốn quốc tế thấy.
Biển người biểu tình rầm rộ - Ảnh: Reuters
Cảnh sát vụt dùi cui vào người biểu tình - Ảnh: Reuters
Hỗn loạn ở góc phố - Ảnh: Reuters
Một người biểu tình ngồi trước lực lượng cảnh sát - Ảnh: Reuters