(CAO) Ngày mai 12-6, trên 1 triệu người dân Hong Kong dự kiến sẽ xuống đường biểu tình rầm rộ để phản đối dự luật dẫn độ có khả năng được thông qua, cho phép đặc khu trưởng xét duyệt từng trường hợp nghi phạm trong các vụ án để đưa về Trung Quốc đại lục xét xử.
Động thái trên diễn ra khi đặc khu trưởng Hong Kong – bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhất quyết thúc đẩy dự luật được thông qua bất chấp làn sóng biểu tình rầm rộ vào cuối tuần vừa qua.
Ngày mai 12-6, dự kiến dự luật này sẽ được đem ra điều trần trước Uỷ ban Lập pháp thành phố và nhiều khả năng được thông qua vì cơ quan này chiếm ưu thế vẫn là các nghị sĩ có xu hướng thân Bắc Kinh.
Cả thành phố đang hưởng ứng đợt biểu tình ngày mai: Các doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ làm đi biểu tình, người dân buôn bán trên đường phố cho đến các cửa hàng tạp hoá, chỗ tập yoga đều thể hiện sự hưởng ứng nhằm gây áp lực lên chính quyền đặc khu cũng như chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.
Những người phản đối lo sợ Bắc Kinh có thể sử dụng luật dẫn độ để buộc Hong Kong giao nộp những nhà bất đồng chính kiến về Đại lục xét xử vì mục đích chính trị.
Người dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ với Trung Quốc đại lục - Ảnh: Reuters Người dân Hong Kong cũng bày tỏ sự nghi ngờ về tính công khai, minh bạch của hệ thống tư pháp ở Trung Quốc đại lục. Họ cho rằng dự luật dẫn độ làm xói mòn tính độc lập của ngành tư pháp Hong Kong.
Dù dự luật dẫn độ lần này còn cho phép dẫn giải nghi can về Đài Loan và Ma Cao xét xử. Nhưng người dân Hong Kong chỉ phản đối khi nó có dính dáng đến Trung Quốc Đại lục.
Giới đầu tư cũng lo ngại dự luật làm mất đi cơ chế đặc thù của Hong Kong, vốn được hưởng chính sách “Một quốc gia, hai chế độ” từ khi đặc khu này được Anh trao trả về cho Trung Quốc năm 1997.
Đặc khu trưởng Hong Kong - Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy dự luật dẫn độ được thông qua bất chấp làn sóng biểu tình - Ảnh: Reuters
Một lá đơn được ký trực tuyến kêu gọi 50.000 người tụ tập trước toà nhà của cơ quan lập pháp Đài Loan vào lúc 21h (giờ VN) ngày mai 12-6 để phản đối dự luật.
Những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc liên tục có những động thái can thiệp vào cơ chế đặc khu đặc thù của Hong Kong khiến người dân nơi này tức giận.
Cảnh sát Hong Kong huy động lực lượng đông đảo để ứng phó với biểu tình - Ảnh: Reuters