(CAO) Với nhiều người Việt sinh sống tại Mỹ, “giấc mơ Mỹ” mà họ hướng đến là phải có một căn nhà để ăn cư lạc nghiệp, có xe ô tô để di chuyển và sở hữu thẻ tín dụng với món tiền kha khá trong tài khoản để phòng thân.
Tuy nhiên không chỉ bà con kiều bào, ngay chính người dân Mỹ cũng mong muốn một xã hội ổn định, nơi họ có việc làm, tạo ra khoản thu nhập thường xuyên để mưu sinh hằng ngày. Bầu cử Mỹ là dịp để cử tri “thay máu” các chính sách với mong ước cuộc sống dân sinh cải thiện hơn từng ngày.
Dì ruột của chồng tôi sống ở bang California. Gia cảnh khó khăn khi đứa con trai đang thất nghiệp. Mùa bầu cử này bà bỏ phiếu chọn Donald Trump với mong mỏi các chính sách sẽ thay đổi theo chiều “dễ thở” hơn cho gia đình bà khi nhiều việc làm mới hy vọng được tạo ra.
Bầu cử Mỹ năm nay đã chứng kiến một sự “lật ngôi” bất ngờ khi đa số phỏng đoán bà Clinton thắng cử, trong khi với lối ăn nói bỗ bã của Trump, ông khó đặt chân được vào Nhà Trắng. Tuy nhiên kết quả bầu cử ngày 8-11 đã cho kết quả ngược lại.
Có lẽ những cộng đồng da trắng, người dân vùng nông thôn Mỹ cho rằng lối nói thẳng thắn, đôi lúc có phần bỗ bã của Trump thể hiện cho một tính cách dám nói, dám kêu đích danh con mèo là con mèo (tiếng Pháp: appeler un chat un chat) mà đó chính là biểu hiện của một tinh thần dám làm, dám thay đổi. Có lẽ vì vậy mà cử tri dồn nhiều phiếu cho Trump chăng?
Ta không thể suy đoán được hết suy nghĩ của cử tri Mỹ, chỉ biết gần 40% cử tri nữ bỏ phiếu cho ông, và cả một số lượng không nhỏ những người da màu.
Giờ đây, hàng triệu người Mỹ chỉ băn khoăn mỗi một chuyện là làm sao có được công ăn việc làm, có thu nhập đều đặn để đám bảo đời sống của chính mình, những nạn nhân thực sự của của thời kinh tế toàn cầu hóa “đã kéo dài từ gần 60 năm nay khiến cả một thế hệ bị đụng chạm”.
Có nhà báo Pháp đánh giá rằng, kết quả bỏ phiếu chọn Trump là tổng thống là một cuộc "nổi dậy"của tầng lớp trung lưu nước Mỹ, muốn cất lên tiếng nói mạnh mẽ trước tình trạng xuống dốc thê thảm của xã hội tiêu thụ Mỹ chứ không phải vì họ muốn bầu lên một người cực hữu.
Những người thất bại trong cuộc chơi toàn cầu hóa có xu hướng ủng hộ Trump - Ảnh: AFP
Tổng thống Trump hứa hẹn sẽ giảm thuế cho dân để có sức tiêu thụ, làm đòn bẩy cho việc phát triển kinh tế, đồng thời với những biện pháp khác để bảo vệ thị trường nội địa. Nói một cách khác, để tạo ra công việc cho đa số dân chúng trong xã hội Mỹ, ông sẽ phải tìm cách cản lại tiến độ của toàn cầu hóa bằng bất cứ phương cách nào (việc Trump đòi bãi bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là một ví dụ điển hình).
Cho đến giờ, phương thức sản xuất hàng rẻ ở nơi có nhân công rẻ, nguyên liệu rẻ đã gây ra tình trạng trước mắt là các hãng xưởng di dời ra khỏi các quốc gia khởi nghiệp, dân chúng tại nước đó mất công ăn việc làm, mất thu nhập, ăn“ trợ cấp thất nghiệp rồi phải ăn vào phần tiền của trợ cấp xã hội, hầu bao cạn kiệt nên không thể tạo ra sức tiêu thụ hàng hóa trong xã hội.
Tầng lớp trung lưu là tầng lớp tích cực của xã hội vì còn có công ăn việc làm nhưng vẫn bị “bóc lột” bởi thuế, không tránh đi đâu được.
Không chỉ riêng Mỹ, xã hội Pháp hiện tại với mức thu thuế tăng liên tục từ năm 2012 là một ví dụ điển hình cho mức độ giảm tiêu thụ của dân chúng. Nhất là vào cuối năm phải đóng tất cả mọi loại thuế cho ngân sách quốc gia, nếu trễ sẽ bị phạt 10% thu nhập, cùng với sự nghiêm ngặt tối đa của những "luật lệ" áp dụng trong ngân hàng, thì dân chúng lấy tiền đâu để tiêu thụ?
Hai cuộc trưng cầu dân ý vừa qua của dân Pháp và dân Anh là hai ví dụ điển hình. Nhất là việc Anh tách khỏi Liên minh Châu Âu (EU).
Hứa hẹn là một việc, thực hiện lại là một việc khác. Chính sách kinh tế của Mỹ, cường quốc mạnh nhất thế giới có ảnh hưởng trực tiếp đến những nước khác. Tổng thống Trump có sức có lực để làm xoay chuyển xu hướng toàn cầu hóa ờ nước này hay không đang là câu hỏi còn để ngỏ.