(CAO) Hôm 13-6, Reuters đưa tin chính quyền Hong Kong đang cho đóng cửa các văn phòng của chính phủ ở quận tài chính của thành phố sau đợt biểu tình biến thành bạo động vì dự luật dẫn độ.
Trước đó vào ngày 12-6, biểu tình đã diễn ra rầm rộ với đoàn người biểu tình mang mặt nạ tràn xuống đường, tụ tập quanh cơ quan lập pháp của thành phố để phản đối dự luật cho phép dẫn độ người từ đặc khu về Trung Quốc Đại lục xét xử.
An ninh đến nay vẫn đang được thắt chặt, thể hiện qua lượng cảnh sát trang bị mũ cối và khiên chống đạn hiện diện ở các khu vực trọng yếu của thành phố.
Trong đợt biểu tình ngày 12-6, lực lượng cảnh sát đã bắn đạn cao su, phun hơi cay vào đám đông để giải tán. Biểu tình sau đó đã nhanh chóng biến thành bạo động, sự kiện được nhìn nhận là đợt bùng phát bạo lực tồi tệ nhất kể từ khi đặc khu này được trao trả về cho Trung Quốc.
Cảnh sát dàn trận chống biểu tình ở Hong Kong - Ảnh: Reuters Bạo động khiến 72 người bị thương đang được điều trị ở các bệnh viện trong thành phố.
Reuters dẫn lời Ken Lam– một người biểu tình độ tuổi 20 làm việc trong ngành công nghiệp thực phẩm và nước gỉải khát của thành phố cho biết anh sẽ tiếp tục “chiến đấu đến cùng” chống lại dự luật cho đến khi nào nó được huỷ bỏ.
Trong khi đó, đặc khu trưởng Hong Kong – bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã lên án vụ bùng phát bạo lực trên. Bà từ chối hoãn dự luật vì cho rằng đây là việc làm cần thiết để lấp “lỗ hổng” tư pháp ở Hong Kong. Nếu không có dự luật, đặc khu sẽ trở thành “thiên đường tội phạm” của những đối tượng bị truy nã ở Đại lục tràn sang cư trú để trốn nã.
Bà Nga cam kết phía toà án sẽ đảm bảo xem xét từng trường hợp, đảm bảo cho những đối tượng dẫn độ qua Đại lục được hưởng nhân quyền khi xét xử.
Người biểu tình tại Hong Kong - Ảnh: Reuters
Tuy nhiên người dân Hong Kong vẫn bày tỏ nghi ngờ về ngành tư pháp Trung Quốc.
Với mâu thuẫn này, dự kiến trong thời gian tới tình hình ở Hong Kong sẽ còn nảy sinh nhiều tình huống bất ổn.