Iraq với nỗi lo biến thành "chiến trường" cuộc chiến uỷ nhiệm giữa Mỹ và Iran

Thứ Ba, 29/09/2020 12:11  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 29-9, Reuters đưa tin chính quyền Mỹ đang tiến hành các bước chuẩn bị để rút những nhân viên ngoại giao của mình khỏi Iraq sau khi cảnh báo Baghdad về khả năng Mỹ có thể đóng cửa sứ quán ở đây.

Thông tin trên được hai quan chức Iraq và 2 nhà ngoại giao phương Tây tiết lộ. Bước đi đang khiến những người Iraq lo ngại về khả năng nước mình có thể bị biến thành chiến trường giao chiến giữa Mỹ Iran.

Các chuyên gia quốc tế nhận định bất kỳ bước đi nào của Mỹ nhằm giảm sự hiện diện ngoại giao ở Iraq, nơi có khoảng 5000 binh sĩ Mỹ đồn trú có thể được xem là chỉ dấu cho thấy sự gia tăng đối đầu giữa Mỹ với Iran. Washington nhiều lần cáo buộc Iran uỷ nhiệm cho các nhóm dân quân Iraq nã tên lửa và tấn công bằng bom vào các lực lượng của họ tại Iraq.

Việc rút nhân viên ngoại giao và đóng cửa sứ quán là động thái có thể dọn đường cho các hành động quân sự khi chỉ còn hơn 5 tuần nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (3-11). Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi đó đã tiến hành chiến dịch vận động hút phiếu cử tri bằng cách thể hiện sự cứng rắn đối với Iran và các cuộc xung đột uỷ nhiệm mà Tehran tiến hành.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào tuần trước đã gọi điện cho tổng thống Iraq- Barham Salih đe doạ đóng cửa sứ quán.

Một trong những nguồn tin ngoại giao phương Tây nói với Reuters rằng Mỹ “không muốn giới hạn các lựa chọn của mình” trong việc làm suy yếu hoạt động của các nhóm dân quân thân Iran đang hoạt động trên đất Iraq.

Người này khi được hỏi về dự báo Washington sẽ phản ứng bằng các biện pháp quân sự hay kinh tế thì đã đưa ra nhận định rằng đó sẽ là những cuộc không kích.

Bộ ngoại giao Mỹ khi được hỏi về kế hoạch rút nhân viên ngoại giao khỏi Iraq đã trả lời rằng: “Chúng tôi không bao giờ bình luận về những cuộc trao đổi cá nhân giữa ngoại trưởng với những nhà lãnh đạo nước ngoài. Iran đã hỗ trợ các nhóm phiến quân nã tên lửa vào sứ quán ở Iraq. Đây là một hành động không chỉ gây nguy hiểm cho chúng tôi mà còn cho cả chính quyền Iraq”.

Vào đầu tháng này, Mỹ cho biết sẽ giảm quân số hiện diện ở Iraq xuống còn 3000 quân từ mức 5200.

Vì sao lại là lúc này?

Căng thẳng gia tăng khắp khu vực giữa Iran và các đồng minh với Mỹ. Trong khi Iraq lại là bên “đứng cửa giữa” có quan hệ thân cận với cả Mỹ lẫn Iran. Điều này dẫn đến 1 kịch bản xấu là nơi này có thể trở thành chiến trường chính cho một cuộc chiến tranh uỷ nhiệm.

Nguy cơ này ngày càng tăng lên từ tháng 1-2020 khi Mỹ không kích giết chết tướng tư lệnh của Iran là Qassem Soleimani khi ông di chuyển từ sân bay Baghdad (Iraq) vào trung tâm thành phố. Đáp trả lại, Iran đã phóng tên lửa cảnh cáo nhắm vào các căn cứ Mỹ tại Iraq.

Từ đó đến nay, Iraq đã có tân thủ tướng nhận được sự ủng hộ từ Mỹ trong khi Iran vẫn duy trì quan hệ thân thiết với các phong trào vũ trang quyền lực của nhánh Hồi giáo dòng Shiite tại Iraq.

Khu vực sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad, Iraq - Ảnh: Reuters

Các nhóm dân quân tại Iraq được Iran hậu thuẫn bị Mỹ tố thường xuyên nã pháo, tên lửa bay qua sông Tigris hướng vào khu phức hợp ngoại giao có sứ quán Mỹ toạ lạc ở trung tâm Baghdad, còn được gọi là “Vùng Xanh”.

Trong những tuần gần đây, pháo và tên lửa liên tục nã xuống khu vực gần sứ quán Mỹ tại thủ đô Iraq đi kèm với sự gia tăng các vụ đánh bom đường phố nhắm vào các đoàn xe mang thiết bị cung cấp cho liên quân do Mỹ dẫn đầu. Một vụ tấn công dạng này đã nhắm vào đoàn xe của Anh ở Baghdad.

Đến ngày 27-9, 3 trẻ em và 2 phụ nữ đã thiệt mạng khi 2 quả pháo cho lực lượng phiến quân phóng đi nã trúng nhà họ. Sân bay Baghdad cũng trở thành mục tiêu tấn công.

Hai nguồn tin tình báo Iraq cho rằng kế hoạch rút các nhà ngoại giao của Mỹ vẫn chưa được thực hiện và sẽ phụ thuộc vào việc liệu lực lượng an ninh Iraq có thể làm tốt hơn trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công hay không.

Họ cho biết đã nhận được lệnh ngăn chặn các cuộc tấn công vào các địa điểm của Mỹ và đã được thông báo rằng các cuộc sơ tán của Mỹ sẽ chỉ bắt đầu nếu nỗ lực đó không thành công.

Hiện chưa rõ rồi sẽ có động thái leo thang căng thẳng nào, hay thậm chí là một cuộc chiến tranh ở Iraq có diễn ra hay không trong thời gian tới giữa Mỹ và Iran.

Bình luận (0)

Lên đầu trang