Mỹ cấm bay hơn 20 "siêu tiêm kích" F-35 vì xuất hiện lỗi

Thứ Sáu, 26/10/2018 17:32

|

(CAO) Theo Defense News hôm nay 26-10 đưa tin, hơn 20 tiêm kích F-35B đã bị cấm bay trong đợt này để kiểm tra lỗi xuất hiện trên các ống bơm nhiên liệu. Các tiêm kích này đều là loại đã có nhiều giờ bay, đồng thời nhiều khả năng sẽ có thêm những chiếc tiêm kích khác bị dừng hoạt động để kiểm tra lỗi.

Các ống nhiên liệu này nằm trong khối động cơ Pratt&Whitney lắp trên tiêm kích F-35, vốn là khối đảm bảo hoạt động chính của tiêm kích hiện đại này. Đây không phải là lần đầu tiên F-35 gặp sự cố, còn nhớ vào ngày 12-10, Lầu Năm Góc đã ra lệnh cấm bay toàn bộ đối với loại máy bay này cũng vì lỗi liên quan tới ống nhiên liệu. Nó cũng được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến việc một chiếc tiêm kích F-35B, rơi ngày 28-9 tại khu vực gần Beaufort.

Tới ngày 14-10, các tiêm kích tàng hình hiện đại này mới được phép hoạt động trở lại sau khi đã khắc phục lỗi. Điều đáng nói là lỗi này bị bắt gặp trên những chiếc F-35 có số giờ hoạt động cao. Như vậy, đồng nghĩa với việc tiêm kích này sẽ phát sinh lỗi khi hoạt động nhiều. 

Một chiếc tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ tham gia diễn tập đổ bộ trên tàu sân bay

Tiêm kích tàng hình F-35 được đánh giá rất cao trong thời điểm hiện tại, tuy nhiên, nó cũng nổi tiếng không kém vì chi phí sản xuất và bảo dưỡng đắt đỏ. Theo ước tính khoảng 50% thời gian của chiếc máy bay này vẫn là nằm trong hangars (nhà xưởng chứa máy bay, giống garage ô tô). Một trong những yếu tố đáng lo khác là tiêm kích F-35 vẫn chưa được hoàn thiện tốt. Chúng vẫn thường gặp những lỗi kỹ thuật và đặc biệt là vấn đề khan hiếm phụ tùng thay thế.

Thêm vào đó, lượng máy bay lại ngày càng tăng theo các hợp đồng sản xuất. Nếu tính trung bình một chiếc F-35 tốn khoảng 172 ngày để "bảo trì" trong một năm. Việc Lầu Năm Góc từng từ chối tiếp nhận tiêm kích F-35 từ nhà sản xuất cũng là vì chi phí bảo dưỡng quá cao và việc thiếu tính ổn định do còn phát sinh nhiều lỗi trong quá trình vận hành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang