(CAO) Mâu thuẫn từ hàng loạt vấn đề: thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, khủng hoảng tại Ukraine và mới nhất là việc tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh đình chỉ thỏa thuận xử lý plutonium cấp độ vũ khí giữa Nga - Mỹ sau Chiến tranh Lạnh khiến quan hệ giữa “hai ông lớn” tụt dốc không phanh.
Hôm 3-10, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố: “Sự kiên nhẫn của Mỹ đối với Nga đã không còn”. Động thái này diễn ra sau khi chính quyền Nga không thể gây áp lực lên chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad về việc ngừng không kích các khu vực do phe đối lập chiếm đóng, trong đó có nội đô và ngoại ô thành phố Aleppo. Những ngày qua, thành phố này đã oằn mình hứng chịu hàng loạt đạn pháo không kích từ máy bay của chính phủ. Damascus sử dụng cả bom thùng dội xuống đây khiến nhiều thường dân thiệt mạng.
Washington cuối cùng đã quyết định dừng đàm phán với Nga về thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn tại Syria.
Bên cạnh đó, phía Mỹ cũng chấm dứt đàm phán để thành lập một trung tâm phối hợp hành động chung giữa Nga và Mỹ nhằm không kích các mục tiêu của các phần tử khủng bố gồm tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và nhóm Mặt trận Nusra.
Giờ đây, Mỹ chỉ còn duy trì một kênh thông tin liên lạc để tránh cho lực lượng quân sự hai bên đụng độ nhau trong các chiến dịch chống khủng bố tại Syria, còn Bộ Ngoại giao Mỹ chuyển sang tìm giải pháp đàm phán đa phương để giải quyết khủng hoảng.
Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: “Chúng tôi lấy làm tiếc vì quyết định này của Washington". Bà cáo buộc: “Sau khi không thể đạt được thỏa thuận mà họ tự đặt ra, Mỹ đẩy lại trách nhiệm cho người khác".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong một cuộc gặp - Ảnh: AFP
Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby lên án: “Nga đã không giữ đúng cam kết của mình và đã không thể đảm bảo việc buộc chính quyền Syria tuân thủ những điều khoản mà Nga đã cam kết”.
Mỹ trong thông cáo của Bộ Ngoại giao cũng lên án những vụ không kích gần đây của liên minh Nga – Syria nhắm vào các bệnh viện và vụ không kích đoàn xe cứu trợ của Liên Hiệp Quốc ngày 19-9 khiến 12 người chết mà Washington cáo buộc là do dàn máy bay Su-24 của Nga gây ra.
Về động thái của Putin đình chỉ thỏa thuận xử lý plutonium cấp độ vũ khí giữa Nga - Mỹ sau Chiến tranh Lạnh, Nga cho rằng phương pháp tái chế plutonium của Mỹ cho phép số plutonium xử lý có thể được tái sử dụng trong các loại vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Washington tạo ra mối đe dọa đến sự ổn định chiến lược bằng các hành động không thiện chí".
“Hành động không thân thiện” mà Matxcơva đề cập đến từ một loạt động thái: từ việc Mỹ trừng phạt Nga về việc sáp nhập bán đảo Crimea đến việc cùng với NATO thiết đặt hệ thống phòng thủ tên lửa sát biên giới Nga, mâu thuẫn về thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria và mới đây là mâu thuẫn trong việc xử lý plutonium.
Trước đó, Mỹ - Nga từng ký thỏa thuận xử lý plutonium bằng cách mỗi bên đốt 34 tấn plutonium trong các lò phản ứng.
Với những mâu thuẫn hiện tại, rất khó cho Nga – Mỹ có thể đồng lòng hợp tác trên nhiều vấn đề từ khủng hoảng Syria đến an ninh hạt nhân.