Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông để trấn an Châu Á

Thứ Ba, 08/01/2019 19:45  | Anh Duy

|

(CATP) Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đặt bút ký ban hành Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA) vào hôm 31-12-2018, đến ngày 7-1 Reuters đưa tin Washington đã điều 1 tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường tuần tra gần các đảo đang tranh chấp trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp. Động thái này khiến Bắc Kinh “nổi đoá” khi vừa bước qua đầu năm.

Bản tin “vài dòng” trên Reuters hôm 7-1 tường thuật hành động đã diễn ra vài lần trong suốt năm 2018: Tuần tra Biển Đông. Theo đó, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - Rachel McMarr trong một thông cáo gửi đi qua email cho biết tàu USS McCampbell đã tiến hành hoạt động tuần tra để “bảo vệ tự do hàng hải” khi đi ngang qua trong khu vực 12 hải lý thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam)”, quần đảo đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép.

McMarr cho biết thêm hoạt động này không nhắm đến một quốc gia cụ thể nào hoặc nhằm để phát đi một tuyên bố chính trị nào. Dù một mực nói không gửi đi tuyên bố cụ thể, nhưng thông cáo được Reuters dẫn lại của hạm đội này lại nhấn mạnh, hoạt động của tàu USS McCampbell nhằm để “thách thức các yêu sách hàng hải thái quá”.

Trung Quốc xây nhiều công trình trái phép trên đảo Phú Lâm - quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam)  - Ảnh: chiangraitimes.com

Hành động này nhắm vào ai? Đã có bên đáp lại ngay trong ngày: Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Lục Khảng cho biết việc tàu Mỹ tuần tra là một hành động “khiêu khích”. Ông Khảng còn ngang nhiên tuyên bố: Hành động này “vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật quốc tế”, bỏ qua thực tế Bắc Kinh đã cưỡng chiếm trái phép quần đảo này từ Việt Nam rồi bồi lấp, xây đảo nhân tạo cùng việc thiết đặt các thiết bị quân sự, xây đường băng phi pháp ở đây từ nhiều năm qua.

Tàu khu trục USS McCampbell - Ảnh: Hải quân Mỹ

Động thái “nắn gân” của Mỹ diễn ra cùng thời điểm phái đoàn Mỹ đang có mặt tại Bắc Kinh để tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7-1, được Reuters dẫn lời nhận định chính sự yếu kém hiện tại của kinh tế Trung Quốc cho Bắc Kinh một lý do đàm phán với Mỹ để hướng tới một thoả thuận thương thương mại giữa hai nước.

Ông Lục Khảng hôm 7-1 “bực dọc” trả lời báo giới: “Chúng tôi thúc giục Mỹ dừng ngay các hành động khiêu khích như thế này (vụ tàu USS McCampbell tuần tra gần Hoàng Sa)”. Ông cho biết Bắc Kinh đã phải cử tàu chiến và máy bay chiến đấu theo sát, cảnh cáo tàu Mỹ. Phát ngôn mang đậm chất trịch thượng, luôn cho Biển Đông như thể “ao nhà” của mình.

Nhưng “phần chính” của trò vờn nhau này, thể hiện ở đoạn tường thuật tiếp sau của Reuters: Khi được hỏi về thời điểm diễn ra hoạt động tuần tra của tàu McCampbell ngay lúc Mỹ - Trung đang đàm phán thương mại, ông Khảng cho rằng việc bắt tay giải quyết các vấn đề thương mại sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 nước và cho cả Thế giới, nhưng “cả hai phải có trách nhiệm tạo ra bầu không khí tích cực cần thiết cho đàm phán”.

Nói nôm na: Mỹ dừng tuần tra Biển Đông, đừng làm chúng tôi (TQ) khó chịu thì đàm phán thương mại mới hanh thông. Diễn biến đốp chát qua lại vào ngày hôm qua 7-1 giữa hai bên cho thấy ý đồ của chính quyền Trump đang dùng mọi biện pháp để gây sức ép lên Trung Quốc nhằm đạt được lợi thế trên bàn đàm phán thương mại.

Biếm hoạ trên tờ South China Morning Post hôm 8-1 sau vụ việc. Nội dung đoạn hội thoại: Chú Sam (tượng trưng cho Mỹ): Những nhà đàm phán thương mại của chúng tôi đã đến đây với một lòng tin tốt đẹp. Gấu trúc (tượng trưng cho Trung Quốc): "Lòng tin tốt đẹp" mà ông nói phải chăng là tên gọi khác của một tàu khu trục có tên lửa dẫn đường? - Ảnh: Harry/ SCMP

Động thái cho tàu tuần tra Biển Đông, hay trước đó là việc Trump đặt bút ký Đạo luật Du lịch Đài Loan, khuyến khích các quan chức Mỹ đến thăm vùng lãnh thổ vốn bị Trung Quốc xem là 1 tỉnh ly khai chờ sáp nhập vào Đại lục đều là một phần trong các bước đi nằm trong Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA).

Đạo luật này đã vượt qua bất đồng giữa hai đảng Dân chủ - Cộng hoà, nhấn mạnh rằng dù chính quyền Mỹ do tổng thống của đảng nào nắm quyền thì Washington vẫn nhất quán xem khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là nơi Mỹ cần tăng cường hiện diện.

Qua ARIA, Mỹ muốn tăng cường mạng lưới đồng minh, thông qua cơ chế thiết lập các đối tác song phương lẫn đa phương, nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết tập trung nguồn lực chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, trong đó có diễn biến trên Biển Đông.

Bằng cách tăng cường hiện diện ở Biển Đông qua các đợt đưa tàu chiến tuần tra hay động thái ủng hộ Đài Loan bằng việc bán vũ khí cho hòn đảo này... thời gian qua chính là các động thái gây sức ép của Mỹ khiến Trung Quốc nhân nhượng trên bàn ngoại giao, trong đó mục tiêu lớn trước mắt là đạt được thoả thuận thương mại với Bắc Kinh trước “thời hạn cuối” 90 ngày (đầu tháng 3). Tổng thống Trump doạ sẽ áp thuế đợt 3 lên hàng hoá Trung Quốc nếu không đạt được tiến triển nào.

Phái đoàn thương mại Mỹ - Trung đàm phán tại Bắc Kinh về các vấn đề thương mại vào tuần này - Ảnh: SCMP

Trên bàn cờ ấy, Mỹ đang dùng các lợi thế từ mạng lưới quân sự, đồng minh của mình trong khu vực cho đến lợi thế kinh tế bằng việc áp thuế để vừa thị uy trước Trung Quốc vừa khiến các đồng minh Châu Á của mình được trấn an rằng: Chúng tôi vẫn còn hiện diện vững chắc trong khu vực. Một mũi tên trúng hai con nhạn. Chính sách “Xoay trục sang Châu Á” từ thời Obama, nay đã khoác lên mình một bộ áo mới, ngày càng quyết liệt hơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang