(CAO) Hôm 16-1, AAP đưa tin Nhật Bản đã điều chỉnh thời điểm xả theo kế hoạch ra biển nước thải đã qua xử lý nhưng vẫn còn phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Chính phủ và nhà điều hành nhà máy, Công ty Điện lực Tokyo Holdings (TEPCO), đã công bố vào tháng 4 năm 2021 kế hoạch bắt đầu xả nước thải đã qua xử lý ra biển bắt đầu từ mùa xuân năm 2023.
Họ cho biết hơn một triệu tấn nước được chứa trong khoảng 1000 bể chứa tại nhà máy có nguy cơ bị rò rỉ trong trường hợp xảy ra động đất hoặc sóng thần lớn.
Theo kế hoạch hiện tại, TEPCO sẽ vận chuyển nước đã xử lý qua một đường ống từ các bể chứa đến một cơ sở ven biển, nơi nước sẽ được pha loãng với nước biển và chuyển qua một đường hầm dưới biển, hiện đang được xây dựng, đến một cửa xả ngoài khơi.
Công ty đã thừa nhận khả năng thời tiết mùa đông khắc nghiệt và điều kiện biển làm chậm tiến độ xây đường hầm xả nước này.
Chánh văn phòng Nội các Nhật - Hirokazu Matsuno nói với các phóng viên hôm 13-1 rằng chính phủ đã thông qua một kế hoạch hành động sửa đổi, bao gồm các nỗ lực tăng cường để đảm bảo an toàn và các biện pháp hỗ trợ tài chính cho ngành đánh bắt cá địa phương, với mục tiêu xả thải mới là "vào khoảng mùa xuân hoặc mùa hè năm nay".
Chủ tịch TEPCO Tomoaki Kobayakawa cho biết mặc dù chính phủ đã ấn định thời điểm xả nước thải mới, công ty của ông vẫn đặt mục tiêu hoàn thành hạng mục đường hầm này vào mùa xuân.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Một trận động đất và sóng thần lớn vào năm 2011 đã phá hủy hệ thống làm mát của nhà máy Fukushima, khiến ba lò phản ứng tan chảy và giải phóng một lượng lớn phóng xạ.
Nước được sử dụng để làm mát các lõi lò phản ứng bị hư hỏng, vẫn còn chứa chất phóng xạ cao, đã bị rò rỉ vào tầng hầm của các tòa nhà chứa lò phản ứng và đã được thu gom, xử lý và lưu trữ trong các bể chứa.
Kế hoạch xả thải đã bị ngư dân, người dân địa phương và các nước láng giềng của Nhật Bản, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối kịch liệt.
Cư dân Fukushima lo lắng danh tiếng các sản phẩm nông nghiệp và đánh bắt cá của họ sẽ bị tổn hại thêm.
Hầu hết chất phóng xạ được loại bỏ khỏi nước trong quá trình xử lý nhưng không thể loại bỏ tritium và mức độ thấp của một số hạt nhân phóng xạ khác cũng vẫn còn.
Chính phủ và TEPCO cho biết các tác động về môi trường và sức khỏe sẽ không đáng kể vì nước sẽ được thải ra từ từ sau khi được xử lý thêm và bị pha loãng bởi một lượng lớn nước biển.
Một số nhà khoa học cho biết tác động của việc tiếp xúc lâu dài, liều thấp với tritium và các hạt nhân phóng xạ khác đối với môi trường và con người vẫn chưa được biết và cho rằng kế hoạch xả thải này nên bị trì hoãn.
Họ nói rằng tritium ảnh hưởng đến con người nhiều hơn khi nó được tiêu thụ trong cá.
Nhật Bản đang hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế để tăng tính an toàn, minh bạch và hiểu biết về kế hoạch xả thải.