(CATP) Tháng 11-2022, TikTok thừa nhận dữ liệu cá nhân của một số người dùng ở Châu Âu có thể bị rò rỉ. Ngày 07-12-2022, chính quyền bang Indiana của Mỹ đã khởi kiện TikTok với cáo buộc ứng dụng chia sẻ video ngắn này thu thập trái phép thông tin cá nhân của người sử dụng...
Bước vào năm mới 2023, thêm nhiều bang ở Mỹ, gồm New Jersey, Ohio, Wisconsin, tiếp tục ban hành lệnh cấm cài đặt ứng dụng TikTok (thuộc sở hữu của Tập đoàn công nghệ ByteDance - Trung Quốc) trên các thiết bị điện tử do chính quyền bang quản lý, do lo ngại về rủi ro bảo mật đối với dữ liệu người sử dụng; riêng chính quyền bang New Jersey còn cấm những nhà cung cấp phần mềm, các sản phẩm và dịch vụ của nhiều công ty: Huawei, Tencent Holdings LTD, ZTE Corporation, Kaspersky Lab...
Trên thực tế, các thống đốc bang thuộc đảng Cộng hòa đã đi đầu trong việc cấm TikTok trên các thiết bị của bang, do lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến việc sử dụng dữ liệu trên, trong khi những bang thuộc đảng Dân chủ hành động chậm hơn. Về phần mình, Thống đốc bang Ohio, Mike DeWine, cho rằng việc sử dụng dữ liệu người dùng đặt ra mối đe dọa về an ninh và mạng đối với quốc gia, khi ứng dụng này có hơn 100 triệu người sử dụng tại Mỹ.
Mới đây nhất, ngày 10-01 khi Shou Zi Chew - Giám đốc điều hành của ứng dụng chia sẻ video ngắn trên - có cuộc gặp gỡ các quan chức cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), đại diện khối này đã đưa ra yêu cầu TikTok tuân thủ quy định của khối đồng thời bảo đảm an toàn cho dữ liệu của người sử dụng ở Châu Âu. Qua đó cho thấy TikTok đối mặt với sự giám sát ngày càng gắt gao ở Châu Âu và Mỹ, nhất là thời gian gần đây.
Mặc dù trên thực tế, theo Phó chủ tịch EU Vera Jourova, dữ liệu của người sử dụng ở Châu Âu chưa bị truy cập bất hợp pháp, nhưng bà vẫn kêu gọi phía TikTok thực hiện đầy đủ cam kết của mình để tuân thủ nghiêm luật pháp của khối. Theo Ủy viên EU phụ trách tư pháp Didier Reynders, EU sẽ đẩy mạnh việc ngăn chặn thông tin giả mạo và TikTok sẽ phải công bố báo cáo về vấn đề này vào cuối tháng 01-2023.
Trụ sở của TikTok tại Los Angeles, Mỹ
Ông Shou Zi Chew cho biết TikTok đang nỗ lực bảo vệ dữ liệu người dùng Châu Âu thông qua một hệ thống bảo mật mạnh mẽ.
Bắt đầu từ năm 2020, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đe dọa cấm TikTok vì lo ngại an ninh quốc gia, những người điều hành ứng dụng này và Chính phủ Mỹ đã đàm phán một thỏa thuận cho phép người dùng ở Mỹ tiếp tục sử dụng TikTok. Ba năm sau khi tránh được 1 lệnh cấm trên phạm vi toàn quốc ở Mỹ, giờ đây TikTok tiếp tục phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng ở cấp tiểu bang.
Tháng 11-2022, TikTok thừa nhận dữ liệu cá nhân của một số người dùng ở Châu Âu có thể bị rò rỉ. Ngày 07-12-2022, chính quyền bang Indiana của Mỹ đã khởi kiện TikTok với cáo buộc ứng dụng chia sẻ video ngắn này thu thập trái phép thông tin cá nhân của người sử dụng đồng thời gợi ý nội dung video không phù hợp với trẻ em. Sau đó 6 ngày, một nhóm 15 luật sư đã viết thư cho Apple, Google kêu gọi các tập đoàn này ngừng phổ biến ứng dụng TikTok vì ảnh hưởng không tốt đến thanh thiếu niên Mỹ.
Cuối tuần trước, Reuters đưa tin TikTok đã hoãn việc thuê chuyên gia tư vấn để hỗ trợ việc thực thi thỏa thuận an ninh có thể đạt được với Mỹ.