(CAO) Hôm 19-1, BBC đưa tin chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình đã lên tiếng bảo vệ cho chính sách tạo ra “thịnh vượng chung” ở nước này bằng chiến dịch "trấn áp" các ông lớn kinh doanh, đặc biệt là ở mảng công nghệ.
Các bình luận của ông được đưa ra trong cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Bắc Kinh cho rằng chiến dịch này nhằm giúp tái phân phối lại một cách công bằng tài sản của xã hội nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Các ngành được nhắm đến điều chỉnh gồm các công ty ở các lĩnh vực công nghệ, giáo dục, giải trí.
"Sự thịnh vượng chung mà chúng tôi mong muốn không phải là chủ nghĩa quân bình" - ông Tập nói với các đại biểu.
"Trước tiên, chúng tôi sẽ làm cho miếng bánh lớn hơn và sau đó phân chia nó một cách hợp lý thông qua các sắp xếp thể chế hợp lý. Khi thủy triều dâng sẽ nâng tất cả các tàu lên, mọi người sẽ nhận được phần chia sẻ công bằng từ sự phát triển và thành quả phát triển sẽ mang lại lợi ích cho tất cả người dân của chúng tôi theo cách thực chất và công bằng hơn” – ông nói.
Ông Tập phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: BBC
Một số người coi các biện pháp được đưa ra bởi các chính sách thịnh vượng chung được coi là cách để kiềm chế sự giàu có của các ông chủ tỷ phú của một số công ty lớn nhất Trung Quốc để thay vào đó, khách hàng và người lao động có tiếng nói hơn trong cách các công ty vận hành và phân phối thu nhập của họ.
Nhưng chính sách này khiến hàng tỷ USD sẽ chảy khỏi các công ty lớn nhất của Trung Quốc khi Bắc Kinh áp đặt các quy định mới cứng rắn đối với họ, điều này đã khiến các nhà đầu tư quốc tế lo lắng.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cố giảm bớt một số lo ngại khi ông nói rằng đất nước vẫn mở cửa cho đầu tư từ nước ngoài.
Ông nói: “Tất cả các loại vốn đầu tư đều được chào đón hoạt động tại Trung Quốc, tuân thủ luật pháp và quy định, đồng thời đóng vai trò tích cực cho sự phát triển của một quốc gia”.