(CAO) Đó là tít bài viết sáng nay 18-6 trên CNN phản ánh lo ngại của cộng đồng quốc tế trước những hành động cứng rắn gần đây của Nga và Mỹ xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Cuộc chiến ngôn từ giữa hai nước đang leo thang, từ máy bay chiến đấu của Mỹ đến vũ khí hạt nhân của Nga- kho vũ khí quân sự đang được dùng để phô trương sức mạnh và đe nẹt lẫn nhau.
Những hành động gần đây như việc Mỹ đe rằng nước này sẵn sàng chuyển vũ khí hạng nặng như xe tăng đến các quốc gia Đông Âu sát sườn Nga hay việc Putin thông báo Matxcơva sẽ bổ sung thêm 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân trong năm 2015 làm tình hình thêm căng thẳng.
CNN nhận định: nếu nghiêm trọng thì Nga- Mỹ sẽ nhấn nút cho một cuộc đua vũ trang mới. Trong khi đó, cả hai đều luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải tăng cường vũ trang và “ sự cần thiết” phải đáp trả những hành động khiêu khích từ “ phía bên kia”.
Chiếc máy bay ném bom Tu-95 (trên) bị một chiếc máy bay của Không lực Hoàng gia Anh bay chặn phía sau hồi tháng 9-2014
Tuy nhiên đó không phải là tất cả những gì cộng đồng quốc tế lo ngại. Khi cả Nga và Mỹ đều sở hữu sức mạnh quân sự khổng lồ, và không ngừng gia tăng tiềm lực quân sự thì rất dễ xảy ra xung đột khi hai lực lượng quân đội đang ở thế đối đầu lại ở khá gần nhau. Đó mới là điều đáng lo ngại.
Chỉ cần nhìn khủng hoảng tại Ukraine đã thấy rõ điều này khi Mỹ nhiều lần đe nẹt sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho quân chính phủ Kiev, còn khu vực miền đông quân nổi dậy đang nằm trong diện nghi vấn về việc nhận hỗ trợ quân sự từ Nga.
Gần đây vụ một máy bay chiến đấu của Nga bay sát máy bay của không quân Mỹ với khoảng cách 10 feet (3,1 mét) trên bầu trời biển Đen cho thấy sự nguy hiểm nếu bất ngờ hai bên va chạm. “ Bạn càng có nhiều dịp tiếp xúc với nhau thì càng làm tăng khả năng nhiều việc đi chệch hướng” - Steven Pifer thuộc Viên Nghiên cứu chiến lược Brookings nói với CNN.
Điểm lại các sự kiện căng thẳng giữa Nga- Mỹ trong thời gian gần đây cho thấy rõ đây là một cuộc đối đầu quân sự theo kiểu “ ăn miếng trả miếng”.
Đầu tiên là việc hải quân Mỹ tham gia cuộc tập trận với NATO tại Thụy Điển, trên vùng biển Baltic. Trong thời gian này, Tư lệnh Không quân Mỹ Deborah James thông báo rằng Washington có thể gửi thêm một số máy bay quân sự thuộc thế hệ tân tiến nhất đến châu Âu để tham gia tập trận. Hai máy bay ném bom B-2 và B-52 đã được cử đến Thụy Điển cùng các loại máy bay khác như F-15C và A-10 Thậm chí bà Deborah James cho biết đang cân nhắc cân nhắc kế hoạch triển khai chiến đấu cơ F-22 Raptor (Chim ăn thịt) tới châu Âu để đối phó “những hành động can thiệp của Nga ở Ukraine”.
Dĩ nhiên là Nga đáp trả. Vụ bổ sung thêm 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân mà Matxcơva thông báo trong tuần này cho thấy rõ phản ứng.
Khi các kênh đối thoại bị khép lại như việc G-7 họp tại Đức mà không mời Nga đến dự hay việc Mỹ và các nước phương Tây áp thêm lệnh trừng phạt lên Matxcơva trong khi mâu thuẫn về quan điểm của các bên về Ukraine còn khác xa nhau thì đối đầu giữa các bên vẫn còn dai dẳng.