(CAO) Hôm 4-1, Reuters đưa tin một thẩm phán người Anh đã ra phán quyết rằng người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange không nên bị dẫn độ đến Mỹ để đối mặt với các cáo buộc hình sự bao gồm vi phạm luật gián điệp.
Thẩm phán này cho rằng các vấn đề về sức khỏe tâm thần của Assange dẫn đến nguy cơ ông có thể tự sát trong quá trình bị dẫn độ.
Các nhà chức trách Mỹ cáo buộc Assange, 49 tuổi, người Úc 18 tội danh liên quan đến việc WikiLeaks tiết lộ một lượng lớn thông tin trong các hồ sơ quân sự bí mật của Mỹ và các thông tin trong những bức điện ngoại giao mà họ cho là đã khiến tính mạng của công dân mình gặp nguy hiểm.
Các luật sư của Assange trong khi đó đã lập luận rằng toàn bộ vụ truy tố nhắm vào ông đều mang động cơ chính trị, do Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ, và rằng việc Assange bị dẫn độ sẽ đe dọa nghiêm trọng đến công việc của các nhà báo.
Tại phiên điều trần tại toà ở London, Thẩm phán Vanessa Baraitser đã bác bỏ gần như tất cả các lập luận của nhóm pháp lý biện hộ cho hành động của Assange nhưng nói rằng bà không thể chấp thuận việc dẫn độ ông sang Mỹ vì có nguy cơ Assange sẽ tự sát.
Assange, theo lời thẩm phán này đôi khi bị trầm cảm nặng và đã được chẩn đoán mắc hội chứng Asperger và chứng tự kỷ.
Một nửa lưỡi dao cạo được tìm thấy trong phòng giam ở London của ông vào tháng 5 năm 2019 và ông đã nói với nhân viên y tế về ý định tự tử của mình.
Nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Assange - Ảnh: Reuters
“Tôi thấy rằng nguy cơ tự tử của ông Assange, nếu lệnh dẫn độ được đưa ra, là rất đáng kể,” Baraitser nói trong phán quyết của mình. Các luật sư của chính quyền Mỹ dự kiến sẽ kháng cáo quyết định này.
Các công tố viên Mỹ và các quan chức an ninh phương Tây coi Assange, người sáng lập WikiLeaks, là kẻ thù liều lĩnh và nguy hiểm của các nhà nước, kẻ có hành động đe dọa tính mạng của các đặc vụ có tên trong các tài liệu mật bị tổ chức này phát tán công khai trên Internet.
Các nhà chức trách Mỹ cho biết hơn 100 người đã gặp rủi ro do bị WikiLeaks tiết lộ thông tin và khoảng 50 người đã nhận được sự hỗ trợ, trong đó một số người đã bỏ trốn khỏi quê hương cùng vợ / chồng và gia đình để chuyển đến Mỹ hoặc một quốc gia an toàn khác.
Trong khi đó những người ủng hộ Assange là một anh hùng đã trở thành nạn nhân vì đã vạch trần hành động sai trái của Mỹ trong các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, và nói rằng việc truy tố ông là một cuộc tấn công có động cơ chính trị nhắm vào tự do báo chí và tự do ngôn luận.
Một người biểu tình đòi thả Assange ở London, Anh - Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, thẩm phán Baraitser đã bác bỏ điều này, nói rằng không có đủ bằng chứng cho thấy các công tố viên đã bị áp lực bởi nhóm của Trump và có rất ít bằng chứng về sự thù địch của tổng thống Mỹ đối với ông.
Bà nói rằng không có bằng chứng cho thấy Assange sẽ không được xét xử công bằng ở Mỹ hoặc các công tố viên đang tìm cách trừng phạt ông, đồng thời tuyên bố hành động của ông đã vượt ra ngoài khuôn khổ của báo chí điều tra.