(CAO) Truyền thông quốc tế tuần qua đăng tải nhiều bài viết nhận định năm APEC 2017 là sự kiện lớn thúc đẩy vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Với tựa đề “Hội nghị thượng đỉnh APEC: Công nhận những thành tựu kinh tế và thách thức phía trước của Việt Nam”, The Economic Times hôm 4-11-2017 ca ngợi Việt Nam là “một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.” Bài báo viết: “ Là nước chủ nhà, Việt Nam đã nỗ lực trong việc hài hòa những lợi ích, tìm kiếm các điểm chung để thu hẹp những khác biệt, và thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên APEC”.
Đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có những cải cách thú vị trong vài thập niên qua, bài báo nói mặc dù khởi đầu là một nền kinh tế nhỏ và lạc hậu bị tàn phá nặng nề bởi hơn 30 năm chiến tranh, tụt hậu so với khu vực và thế giới với những điều kiện sống cực kỳ khó khăn, nhưng với sự phát triển nhanh chóng ngày nay “năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã cải thiện”. Dẫn xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về chỉ số cạnh tranh chung, bài viết nhận định vị trí của Việt Nam đã tăng lên trong những năm gần đây, năm 2016 đứng thứ 60 trên 138 nền kinh tế.
Du khách nước ngoài đi bên biểu ngữ chào đón Tuần lễ cấp cao APEC 2017 ở khu vực ven biển TP.Đà Nẵng Đề cập đến tuần lễ cấp cao APEC Đà Nẵng 2017, tờ The Independent của Anh hôm 5-11 có bài viết nhận định Việt Nam góp phần vào tăng trưởng cả khu vực. Đánh giá cao chủ đề của APEC 2017: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, tác giả bài báo cho biết chủ đề này được các thành viên cũng như đối tác của APEC ủng hộ. “Với vai trò là chủ tịch APEC, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các thành viên APEC khác về nhiều đề xuất sáng kiến quan trọng, như thiết lập cơ chế để thảo luận sự hợp tác lâu dài của APEC”.
The Independent cho rằng sáng kiến về thúc đẩy tính toàn diện trong phát triển kinh tế, xã hội và tài chính khu vực được kỳ vọng sẽ kết nối các chương trình hợp tác lâu dài của APEC, cung cấp cho tất cả mọi người những kết quả của toàn cầu hóa và tự do thương mại.
Đại diện Liên hiệp quốc (LHQ) thường trú tại Việt Nam, Kamal Malhotra, cũng đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, nhấn mạnh rằng tăng trưởng toàn diện là yếu tố chính trong Nghị trình 2030 của LHQ về Phát triển Bền vững.
The Independent kết luận: “Bằng cách chủ trì APEC 2017, Việt Nam không chỉ tái khẳng định chính sách của mình về tăng cường hội nhập quốc tế và coi trọng châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả các cơ chế hợp tác khu vực như Diễn đàn APEC, nước này cũng nêu bật những tầm nhìn chiến lược đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương năng động, ổn định và hòa bình, tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực cũng như toàn cầu”.
Hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương – Lê Độ được thông xe để phục vụ APEC tại Đà Nẵng
Viết về APEC 2017, Oxford Business Group nhận định: “Lần thứ hai trong lịch sử, Việt Nam là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh APEC và các hoạt động liên quan…Hội nghị thượng đỉnh 2017 trao cho Việt Nam cơ hội tự giới thiệu mình là một địa điểm du lịch kinh doanh và tổ chức hội nghị”.
Trong khi đó, tờ Bangkok Post của Thái Lan cũng đăng bài bình luận về vai trò là nước chủ nhà APEC của Việt Nam. Bài viết nhận định Đà Nẵng sẽ được coi là điểm kết nối Đông Nam Á với phần còn lại của thế giới trong tương lai. Năm 3015 Đà Nẵng được New York Times đưa vào danh sách “52 địa điểm đáng đến hàng đầu” thế giới.
The Diplomat của Nhật thì cho rằng với sự trở lại của hội nghị thượng đỉnh APEC sau 11 năm vắng bóng với nhiều đổi thay trong khu vực và toàn cầu, APEC Đà Nẵng là cơ hội để Việt Nam thể hiện khả năng đối phó với những thay đổi đó.