(CAO) Khi Bắc Kinh và Washington liên tục “ra đòn” bằng các sắc thuế áp lên hàng hoá của nhau, có một người lo lắng không kém: Đó là CEO của Apple Tim Cook khi các sản phẩm của công ty này từ iPhone đến iPad đều được lắp ráp phần lớn ở các hãng xưởng đặt tại Trung Quốc.
New York Times nhận định Tim Cook có thể là nhà lãnh đạo của công ty công chúng có giá trị lớn nhất thế giới, nhưng nay ông còn hành động nhiều hơn thế với tư cách một nhà “ngoại giao” công nghệ cấp cao.
Tháng trước, Tim Cook đã đến thăm phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng để gửi cảnh báo đến tổng thống Mỹ Donald Trump rằng cuộc chiến thương mại nếu xảy ra với Trung Quốc có thể đe doạ đến vị thế của Apple ở đất nước này. Hồi tháng 3, trong cuộc họp tại Bắc Kinh, Tim lên tiếng kêu gọi “những cái đầu kiềm chế” cần hành động để ngăn chặn khủng hoảng.
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Apple và Tim Cook là bên bị thiệt hại rất lớn. Với 41 cửa hàng Apple (Apple Store) đặt tại Trung Quốc cùng hàng trăm triệu chiếc điện thoại di động iPhone được bán ra ở thị trường này, không có công ty Mỹ nào thành công ở Trung Quốc như Apple từng làm được. Vì lẽ đó, họ cũng sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu trả đũa của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Dưới thời đại lãnh đạo của Tim Cook, tình hình kinh doanh của Apple tại Trung Quốc không ngừng được cải thiện, hình thành nên một đế chế với lợi nhuận hằng năm ở thị trường Trung Quốc lên đến 50 tỷ USD. Tim Cook đã làm được điều này trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát internet và đóng cửa nhiều công ty công nghệ Mỹ tại đây.
Dù chính quyền Trump trấn an rằng họ sẽ không áp thuế mới lên các sản phẩm iPhone nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng Apple vẫn canh cánh bên lòng khả năng bị Bắc Kinh trả đũa làm hại đến tình hình kinh doanh của họ ở nước này.
Tim Cook đang tất bật ngoại giao nhằm giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp nếu cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ nổ ra - Ảnh: Dominic Bugatto
Apple lo ngại “bộ máy quan liêu của Trung Quốc sẽ được kích hoạt” có nghĩa chính phủ Trung Quốc có thể gây ra sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng thiết bị của mình để sản xuất những sản phẩm của Apple và tăng cường giám sát các sản phẩm của mình dưới chiêu bài bảo vệ an ninh quốc gia – một người thạo tin của Apple nói với New York Times.
Apple từng phải đối mặt với sự trả đũa như vậy trước đây trong khi đó Reuters đưa tin những chiếc xe của Ford từng phải đối mặt với sự chậm trễ trong việc được thông quan tại các cảng của Trung Quốc.
Apple đang tiến hành vận động hành lang ở cả Bắc Kinh và Washington, cố gắng “làm việc” với cả hai bên.
Cook đã tiếp cận với Nhà Trắng để làm cho Trump hiểu rõ rằng một cuộc chiến thương mại sẽ gây phương hại đến nền kinh tế như thế nào, cũng như ảnh hưởng của nó đến Apple.
Cook cũng đã tham gia vào một nhóm nhỏ các giám đốc điều hành Mỹ - Trung tham gia vào cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bàn về vấn đề sáng tạo và cải cách.
Cook cũng tham dự Diễn đàn Internet thế giới tại Trung Quốc, tham gia cuộc họp thượng đỉnh với các nhà hoạch định chính sách và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc.
Cook từng nhiều lần lên tiếng bảo vệ sự hiện diện của Apple tại Trung Quốc như là cách giúp nước này thay đổi ngay từ bên trong. New York Times dẫn lời ông nhấn mạnh: “Mỗi quốc gia trên thế giới tự quyết định luật pháp và luật lệ của mình. Và đây là các lựa chọn của bạn: Tham gia vào thị trường hay đứng bên lề và la lối rằng những thứ mình muốn nên vận hành thế nào”.
Apple hiện có 41 cửa hàng tại Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg
Ông chủ Apple cũng đã đến Nhà Trắng gặp Trump và Larry Kudlow – Cố vấn kinh tế cấp cao của tổng thống để hoan nghênh các quy tắc thuế mới cho doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng nhắc nhở Nhà Trắng rằng Apple sẽ đóng góp 350 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ trong vòng 5 năm tới.
Những cố gắng của Cook chưa biết sẽ có tác động ra sao trước cuộc chiến thương mại có nguy cơ bùng nổ này.
Theo New York Times, Anh Duy lược dịch