Trump cho biết sẽ tái khởi động quá trình đàm phán NAFTA

Thứ Hai, 23/01/2017 09:55  | Anh Duy

|

(CAO) Sau khi “sờ gáy” TPP, hôm 22-1 tân tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ khởi động quá trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với lãnh đạo hai nước Canada và Mexico nhằm đạt được những thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ.

Trump từng nhiều lần cảnh báo sẽ rút khỏi NAFTA nếu không đạt được những điều khoản như mong muốn.

Đến 31-1 này, Trump sẽ gặp tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, tuy nhiên ông chưa có lịch trình gặp thủ tướng Canada Justin Trudeau.

NAFTA là hiệp định thương mại có hiệu lực từ năm 1994 giữa 3 nước vùng Bắc Mỹ là Mỹ, Canada và Mexico. Nó tạo ra cơ chế cho phép các thành viên trong hiệp định có thể đơn phương rút khỏi. Khi đó quá trình tái đàm phán các điều khoản trong hiệp định sẽ được tái khởi động trong vòng 180 ngày. Sau khoảng thời gian đó, nếu không đạt được đồng thuận, hiệp định này sẽ bị xóa bỏ.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump từng lên án NAFTA là hiệp định thương mại tồi tệ nhất mà Mỹ từng đặt bút ký.

Trump nay muốn đóng cánh cửa NAFTA nếu không tái đàm phán được - Ảnh: minh họa của CNN Money

NAFTA được ký thành luật dưới thời tổng thống Mỹ Bill Clinton. Theo CNN Money, NAFTA về cơ bản loại bỏ gần như mọi rào cản thuế quan giữa ba nước, cho phép hàng hóa, vật tự được thông thương "liền mạch" qua biên giới. Nhờ NAFTA, mỗi ngày ước tính 1,4 tỉ USD giá trị hàng hóa được thông thương qua biên giới Mỹ - Mexico.

NAFTA cũng tạo cơ chế dễ dàng cho một công ty Mỹ chuyển cơ sở sản xuất sang Mexico.

Ai hưởng lợi nhiều nhất từ NAFTA?

Đó chính là các công ty Mỹ, đặc biệt là các công ty sản xuất ô tô nhờ tận dụng được lợi thế về nhân công giá rẻ ở Mexico.

Điển hình là hai công ty ô tô Ford và General Motors (GM). Vì giá nhân công rẻ hơn ở Mexico, người Mỹ được hưởng lợi vì trả mức giá thấp hơn cho các sản phẩm từ ô tô, quần áo, thực phẩm đến đồ điện tử của các công ty Mỹ sản xuất tại Mexico.

Thương mại giữa ba quốc gia đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là giữa Mỹ và Mexico nhờ NAFTA. Xuất khẩu của Mỹ sang Mexico năm 2015 tăng gần 470% so với năm 1993, một năm trước khi NAFTA trở thành luật.

Bỏ NAFTA, việc làm có quay trở lại Mỹ?

CNN Money cho rằng điều này chưa chắc. Vì nếu NAFTA chấm dứt, các công ty có khả năng sẽ chuyển sản xuất sang các nước Mỹ Latin hay Châu Á để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ thay cho Mexico thay vì chuyển việc làm về Mỹ.

Một ngành ảnh hưởng nghiêm trọng nữa là ngành công nghiệp sản xuất đồ jean của Mỹ. Hầu hết dây chuyền đều đã chuyển sang Mexico và dựa vào điều khoản miễn thuế của NAFTA để đưa sản phẩm thành phẩm từ Mexico về Mỹ. Chấm dứt NAFTA sẽ khiến đồ jean "Made in Mexico" có giá thành rất đắt, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp này.

Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế đến 35% cho những sản phẩm của các công ty Mỹ sản xuất ở nước ngoài, như xe ô tô Ford sản xuất tại Mexico.

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, khi quan hệ sản xuất - tiêu thụ giữa các quốc gia đan xen nhau như tấm lưới, khó có thể "chiều" ý Trump đưa toàn bộ việc làm về Mỹ mà không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Những người Mỹ biểu tình phản đối NAFTA

Bình luận (0)

Lên đầu trang