(CAO) Hôm 18-4, BBC đưa tin tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chúc mừng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi ông này vượt qua cuộc trưng cầu dân ý theo hướng sửa đổi hiến pháp để cấp thêm quyền hành cho ông.
Cuộc điện đàm chúc mừng chiến thắng của Trump trái ngược hẳn với những lo ngại gia tăng của các nhà lãnh đạo Châu Âu, nghi ngờ kết quả bỏ phiếu sát sao khi ông Erdogan chiến thắng với tỷ lệ 51,4% phiếu thuận. Vụ Erdogan được mở rộng thêm quyền lực đang chia rẽ quan điểm trong xã hội Thổ khi các nhà quan sát quốc tế cáo buộc chiến dịch trưng cầu dân ý này “không bình đẳng”.
Thậm chí ông Erdogan còn thách thức lại các cáo buộc khi cảnh báo: “Hãy biết chỗ của các bạn”.
Với cuộc điện đàm chúc mừng, Trump đứng về phía các nhà lãnh đạo khác như Qatar, Guinea, Djibouti hay nhóm chiến binh Palestine – Hamas ủng hộ Erdogan trong khi các nước Châu Âu lại phản đối vì cho rằng ông này lạm quyền và đang tiến đến hình thức độc tài.
Qua đó Trump cho thấy ông có sự tương đồng về quan điểm với Erdogan về các vấn đề dân chủ và tự do báo chí, dù Erdogan có phần cực đoạn hơn. Trump muốn chiếm cảm tình với Ankara dù hai bên còn nhiều bất đồng về vấn đề Syria.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nay có thêm nhiều quyền hành khiến cộng đồng quốc tế lo ngại - Ảnh: AFP Dưới thời Obama, Thổ Nhĩ Kỳ đã bất đồng sâu sắc với Mỹ khi Washington ủng hộ những chiến binh người Kurd chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trong khi Ankara xem những nhóm người Kurd này là thành phần khủng bố.
Trong khi đó, cả Đức và Pháp đều bày tỏ quan ngại trước kết quả trưng cầu này. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Kết quả trưng cầu dân ý cho thấy xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang chia rẽ sâu sắc và điều đó có nghĩa là một trách nhiệm lớn đang đặt lên vai đối với dàn lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và cho tổng thống Erdogan nói riêng”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz nhấn mạnh kết quả trưng cầu dân ý là một "tín hiệu rõ ràng chống lại Liên minh châu Âu". Ông Kurz nhấn mạnh việc vận động để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU cần phải kết thúc.
Các nhà hoạt động nhân quyền cũng bày tỏ lo ngại khi trước đó ông Erdogan từng cảnh báo sẽ khôi phục lại hình phạt tử hình. Giờ được trao thêm quyền lực, có thể ông sẽ thực hiện cam kết gây quan ngại này.
Các thay đổi của Hiến pháp bao gồm: Tổng thống sẽ có nhiệm kỳ 5 năm, phục vụ tối đa trong 2 nhiệm kỳ. Tổng thống có quyền chỉ định trực tiếp các quan chức cấp cao của chính quyền, bao gồm các bộ trưởng, một hoặc vài phó tổng thống. Công việc của thủ tướng sẽ bị hủy bỏ. Tổng thống sẽ có quyền can thiệp vào hệ thống tư pháp mà ông Erdogan cáo buộc đang bị giáo sĩ Fethullah Gulen sống lưu vong ở Mỹ chi phối. Tổng thống có quyền quyết định có ban bố hay không tình trạng khẩn cấp quốc gia. |