(CAO) Hôm nay 24-2, đài Fox News (Mỹ) đưa tin chính quyền Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu đến triển khai ở đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa- Việt Nam), động thái nối tiếp sau khi Bắc Kinh đã triển khai tên lửa đất đối không đến hòn đảo này.
Fox News dẫn nguồn tin giấu tên từ hai quan chức Mỹ cho biết tình báo Mỹ đã phát hiện sự hiện diện của những chiếc máy bay chiến đấu Shenyang J-11 và Xian JH-7 ở đảo Phú Lâm cách đây vài ngày.
Đại úy Hải quân Mỹ Darryn James- phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách Thái Bình Dương xác nhận tính chính xác của phát hiện này nhưng cho biết những chiếc máy bay chiến đấu này đã được Trung Quốc sử dụng trước đó tại đảo Phú Lâm. Đại úy Darryn James nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn đang quan ngại động thái của Trung Quốc khi họ tiếp tục tăng cường đưa hệ thống vũ khí đến vùng biển đang có tranh chấp này”.
Việc Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu tại đảo Phú Lâm đang gây quan ngại khi Bắc Kinh từ nay có thể sẽ thường xuyên điều động vũ khí quân sự đến Biển Đông để chứng tỏ sức mạnh “cơ bắp”.
Đảo Phú Lâm nhìn từ trên cao
Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng xác nhận họ đã triển khai vũ khí trên đảo Phú Lâm nhưng ngang ngược cho rằng việc làm đó là chính đáng vì đảo Phú Lâm là "chủ quyền" của mình. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã quên rằng Hoàng Sa là của Việt Nam, cả quần đảo này bị họ dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ trái phép từ Việt Nam từ năm 1974.
Sáng sớm ngày 24-02-2016 báo chí Pháp đưa tin một số chiếc máy bay chiến đấu của Trung quốc đã bay lượn lờ từ nhiều ngày nay tại khu vực biển Đông, cụ thể là quanh hòn đảo nhân tạo Woody của quần đảo Hoàng Sa (Paracels).
Thuyền trưởng Darryn James, người phát ngôn viên của bộ chỉ huy PACOM, cho biết là Mỹ vẫn quan sát các hành động vũ trang của Trung quốc trên những khu vực đang có tranh chấp chủ quyền. Theo ông, việc bay lượn của những chiếc máy bay chiến đấu của Trung quốc không đáng lo ngại bằng sự hoạt động của một trung tâm hệ thống ra đa đã được xây dựng trên quần đảo Trường Sa (Spratleys).
Nhiều hình ảnh từ vệ tinh của băng đá Cuarteron tại quần đảo Trường Sa được công bố bởi CSIS (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế) cho thấy một ra đa viễn thông có một năng lực rất lớn, một cột đèn biển, một hầm trú ẩn sâu bên dưới, một bãi đáp máy bay trực thăng và những hệ thống truyền tin liên lạc. Hệ thống này cũng đã được xây dựng trên các rạn đá lân cận như Gaven, Hughes, Johnson South.
Trên đảo nhân tạo Woody, các nhà chức trách Mỹ đã xác nhận là một hệ thống tên lửa đã được thiết lập.
Bảo Tâm (Pháp)
|