(CAO) Hôm 21-11, South China Morning Post (SCMP), một tờ báo ở Hong Hong dẫn nguồn tin từ một tổ chức nghiên cứu chiến lược của Mỹ khi phân tích các hình ảnh vệ tinh mới nhất đã phát hiện Trung Quốc xây một cấu trúc trái phép mới trên đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).
Vùng biển chiến lược này đang bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp trên phần lớn diện tích và tiếp tục xây các công trình quân sự cũng như thiết đặt các thiết bị trên các hòn đảo và bãi đá ngầm một cách trái phép.
Các chuyên gia của Chương trình Sáng kiến Minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy đây là một cấu trúc mới có kích thước khiêm tốn, phần nóc bên trên được trang bị các tấm pin thu năng lượng Mặt trời và vòm radar ở đảo Bông Bay.
Chương trình này nhận định: “Sự phát triển cho thấy vị trí chiến lược của đá Bông Bay, và có khả năng việc xây dựng nhanh chóng các cấu trúc tương tự có thể được lặp lại ở những nơi khác trên Biển Đông”.
Hiện mục đích sử dụng của công trình này vẫn chưa rõ.
Cấu trúc phi pháp Trung Quốc xây trên đá Bông Bay, quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam - ảnh: AMTI
Tuy nhiên với vị trí chiến lược của đá Bông Bay, nằm giữa tuyến đường nhộn nhịp tàu hàng chạy qua giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho nó vị trí chiến lược để thiết đặt các thiết bị radar thám sát của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể dễ dàng thu thập các tín hiệu tình báo trên vùng biển chiến lược này. Chương trình AMTI nhận định.
Nguỵ biện về hành vi quân sự hoá
Khi được chất vấn về công trình phi pháp này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Cảnh Sảng ngang nhiên trả lời Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Quần đảo này không phải là nơi tranh chấp, do thế Bắc Kinh không làm gì sai khi tiến hành xây dựng trên lãnh thổ của mình. Phát ngôn này bất chấp sự thật không thể chối cãi là Bắc Kinh đã cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Mới đây trong 1 bài xã luận đăng trên tập san Study Times của Trung Quốc cáo buộc: “Sự can thiệp quân sự chưa từng có từ bên ngoài vào khu vực là đe doạ lớn nhất đến hoà bình và ổn định ở Biển Đông. Tờ tập san này do trường đảng trung ương của Trung Quốc phát hành.
Đá Bông Bay nhìn từ trên cao - Ảnh: CSIS/AMTI
Bài xã luận nói thêm rằng: “Nếu không có sức mạnh ngăn chặn mạnh mẽ của quân đội chúng ta ở Biển Đông, thì việc bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực chỉ đơn thuần là lý thuyết suông và thiếu sót những gì chúng ta mong muốn”. Lập luận nguỵ biện trắng trợn này nhằm biện hộ cho hành động quân sự hoá leo thang của Bắc Kinh.
Sau đó tờ này còn ngang ngược cho rằng: “Các cơ sở xây dựng trên các bãi đá ngầm và các đảo ở Biển Đông nên có nhiều hơn các công trình dân sự hơn là quân sự. Điều đó có nghĩa là chúng ta nên tập trung nhiều hơn để xây dựng các ngọn hải đăng, sân bay dân sự, trạm nghiên cứu hải dương và cứu hộ, trạm nghiên cứu khoa học và dự báo thời tiết”.