(CAO) Hôm 26-10, BBC đưa tin ít nhất 7 người được cho là đã thiệt mạng và khoảng 140 người bị thương sau vụ nổ súng vào đám đông phản đối cuộc đảo chính do quân đội ở Sudan tiến hành.
Những người biểu tình đã xuống đường sau khi lực lượng vũ trang giải tán chế độ dân sự, bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị và ban bố tình trạng khẩn cấp vào hôm 25-10.
Các binh sĩ được cho là đã đến từng nhà ở thủ đô Khartoum để bắt giữ những người tổ chức biểu tình địa phương.
Cuộc đảo chính đã bị nhiều nước lên án, và Mỹ đã tạm dừng khoản viện trợ 700 triệu USD cho nước này.
Thủ lĩnh của cuộc đảo chính - Tướng Abdel Fattah Burhan đã đổ lỗi cho cuộc đấu đá chính trị khiến ông phải tiến hành đảo chính.
Các nhà lãnh đạo dân sự và các đối tác quân sự của họ đã mâu thuẫn với nhau kể từ khi người lãnh đạo lâu đời Omar al-Bashir bị lật đổ hai năm trước.
Khi màn đêm buông xuống hôm 25-10, số lượng lớn người biểu tình đã đổ xuống đường phố Khartoum - và các thành phố khác yêu cầu đưa đất nước trở lại chế độ dân sự.
Đảo chính vừa diễn ra ở Sudan - Ảnh: BBC
Những người biểu tình đã chặn đường bằng những đống gạch và những chiếc lốp xe đang cháy. Nhiều phụ nữ cũng vào cuộc, hô hào khôi phục lại chính quyền dân sự. Sân bay của thành phố bị đóng cửa và các chuyến bay quốc tế bị đình chỉ. Internet và hầu hết các đường dây điện thoại cũng ngừng hoạt động.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã phản ứng với sự báo động trước tin tức về cuộc đảo chính.
Mỹ đã cùng với Anh, EU, Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Phi, trong đó Sudan là thành viên, yêu cầu trả tự do cho các nhà lãnh đạo chính trị hiện đang bị quản thúc tại các địa điểm không xác định. Trong số đó có Thủ tướng Abdalla Hamdok và phu nhân, cùng các thành viên trong nội các của ông và các nhà lãnh đạo dân sự khác.
Trước đó, một đơn vị an ninh đặc biệt của quân đội đã đến nhà thủ tướng vào sáng sớm 25-10 và cố gắng thuyết phục ông Hamdok đồng ý cuộc đảo chính, nhưng ông đã từ chối.
Sudan đã tham gia vào một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự kể từ khi người lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ vào năm 2019.