(CAO) Theo RT ngày 27-10 đưa tin, các nhà khoa học Trung Quốc đã thu hoạch thành công giống "lúa biển", vốn có thể trồng được trên đất nhiễm mặn. Khu vực tiến hành thử nghiệm thuộc tỉnh Sơn Đông, phía Đông Trung Quốc.
Tuy nhiên, loại gạo mới được thu hoạch thành công lần đầu tiên ở thành phố biển Thanh Đảo, phía đông Trung Quốc, cách đây khoảng 1 năm. Sau đó, giống lúa mới này đã không ngừng được hoàn thiện và phát triển. Nếu được áp dụng rộng rãi thì giống lúa này có thể giúp nuôi sống hơn 80 triệu dân.
Phó Giám đốc Trung tâm R & D "lúa biển" Thanh Đảo, Guodong cho biết: "Trung Quốc có dân số rất đông, nếu chúng tôi cứ nhập khẩu thực phẩm từ nước ngoài thì cũng sẽ có lúc gặp khó khăn hoặc hạn chế nhất định. Thêm vào đó, nạn mất mùa do thiên tai hoành hành nhiều lúc sẽ làm lệch đi cán cân bình ổn thực phẩm. Trong khi lúa mì và gạo là thực phẩm chủ yếu của người dân Trung Quốc, 60% trong số họ phụ thuộc vào gạo.
Trung Quốc tuyên bố lai tạo thành công giống lúa chịu
đất nhiễm mặn - Ảnh: Jeff Tzu-chao Lin
Nếu có thể biến đất cằn cỗi thành đất "màu mỡ" để trồng lúa thì nó sẽ giúp Trung Quốc tự chủ hơn trong vấn đề lương thực. Với những nỗ lực vào thời điểm hiện tại, chúng tôi đã chuyển đổi mục đích sử dụng của hơn 65.000 km2 đất nhiễm mặn. Điều đó có thể tăng sản lượng lương thực lên 30 tỷ kg dựa trên số thu hoạch trung bình khoảng 300 kg trên 667 m2. Nó đồng nghĩa với việc có thêm 80 triệu người ở Trung Quốc đủ lương thực để sử dụng".
Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công và thu hoạch lúa chịu mặn ở sa mạc Dubai.