Việt Nam giữa thế trận "vành nan hoa" tăng cường của Mỹ ở Biển Đông

Thứ Năm, 12/08/2021 15:30

|

(CATP) Việc triển khai liên tục các chuyến viếng thăm cấp cao của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman cho đến Bộ trưởng Quốc phòng (QP) Lloyd Austin tới Đông Nam Á (ĐNA) thời gian qua đã giúp gia tăng nhận thức của khu vực về "sự trở lại của nước Mỹ" dưới thời Tổng thống Joe Biden. 

Tuy nhiên, bên cạnh các cam kết và hành động nhằm "giúp đỡ không ràng buộc" các nước trong khu vực vượt qua đại dịch Covid-19, phía Mỹ cũng đang chịu áp lực phải gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực ĐNA nói riêng và Ấn Độ - Thái Bình Dương (AĐ - TBD) nói chung.

Do đó, không thể phủ nhận mối liên hệ giữa các hoạt động ngoại giao kết hợp động thái triển khai quân sự của Mỹ trong khu vực cũng như sự kiện toàn từng bước thế trận "vành nan hoa" tăng cường của Quân đội (QĐ) Mỹ và đồng minh ở Biển Đông (BĐ) thời gian gần đây, khiến dư luận quan ngại về cơ chế điều phối an ninh khu vực do các nước nhỏ mà đại diện là ASEAN điều phối.

Từ động thái "ngoại giao trọng thị" của Chính phủ Mỹ...

Trong bối cảnh xu hướng phát triển hệ thống cứ điểm trên "vành đai quốc phòng" của Mỹ đạt nhiều thành quả ở khu vực Tây TBD, nhưng điều đáng nói là sự thuận lợi đó lại không xuất hiện ở ĐNA, khu vực được xem là "trái tim" của toàn bộ chiến lược AĐ - TBD. Với thế khó từ động thái đe dọa hủy Hiệp ước viếng thăm quân sự (VFA) của đồng minh chủ lực Philippines, cũng như việc các đối thủ chiến lược Nga - Trung Quốc (TQ) đã hoàn thành viếng thăm ngoại giao với ASEAN, Mỹ buộc phải gấp rút triển khai các động thái chính trị dựa trên chuỗi chuyến thăm cấp cao nhằm tiếp cận từ 3 hướng, sử dụng 3 phương pháp thế mạnh nhằm hậu thuẫn 3 mục tiêu về hiện diện quân sự.

Ba hướng tiếp cận của Mỹ nhằm chia ASEAN thành các nhóm nước nằm ở phía Đông (Thái Lan, Campuchia, Việt Nam), phía Nam (Singapore, Malaysia, Indonesia), phía Tây (Philippines) của BĐ. Qua đó phía Mỹ phát huy cùng lúc cả 3 mục tiêu chiến lược: (i) Tăng cường tiếp cận với các căn cứ quân sự của Singapore và Philippines, (ii) Duy trì hoạt động đối ngoại QP cho phép QĐ Mỹ được tiếp tục triển khai luân phiên ở Thái Lan, Philippines, (iii) Mở rộng các hoạt động chia sẻ thông tin tình báo trong khu vực thông qua các Cơ sở thông tin chống khủng bố và Sáng kiến đối tác trí tuệ nhân tạo đa quốc gia về QP mà Singapore đã tham gia.

Phía Mỹ cũng thực hiện chiến thuật "ngoại giao trọng thị" thể hiện qua: (i) Nỗ lực ưu tiên cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước chủ điểm trong khu vực ngay trước thềm các chuyến thăm cấp cao, (ii) Tăng cấp các chuyến thăm cấp cao và sắp tới là chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ K. Harris, (iii) Kiên trì nhân nhượng trong viện trợ quân sự song phương cho một số đối tác chủ lực bỏ qua bất đồng (như Philippines). Trong số này, quyết định rút lại các kế hoạch hủy Hiệp định VFA của Philippines cuối tháng 7 vừa qua cùng với sự cho phép Mỹ tiến hành tập trận với 7 nước đồng minh trong khu vực biển Philippines chính là những điểm quan trọng cho thấy hiệu quả của gói chiến thuật "ngoại giao trọng thị" mà Washington đang áp dụng.

... Đến cách ứng phó phân tán, linh hoạt của các nước nhỏ

Trước thế trận tăng cường hiện diện quân sự của phía Mỹ và đồng minh, các nước ĐNA trên thực tế đã xây dựng thế trận ứng phó phân tán. Trong đó, mỗi quốc gia tuy hành động độc lập nhằm phát huy tối đa lợi ích trong các nỗ lực "trọng thị" từ Mỹ nhưng vẫn có sự gắn kết thống nhất chung đến lập trường trung lập và giữ vững trọng tâm điều phối của cả khối. Các động thái chỉ dấu cụ thể được biểu hiện theo 2 định hướng sau:

Thứ nhất, định hướng đa phương hóa các đối tác an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống. Cụ thể là vấn đề an ninh y tế đối tác vắc-xin ngừa Covid-19, phần lớn các nước ASEAN lúc này đều tiếp nhận vắc-xin từ nhiều phía khác nhau, trong đó có cả Mỹ (Pfizer, Moderna), Anh (AstraZeneca), TQ (Sinopharm, Sinovac) và sắp tới từ phía Nga (Sputnik-V) tùy tình hình thực tế mỗi nước. Còn về đối ngoại quốc phòng, các nước đều nhất quán thúc đẩy đa dạng hóa đối tác quân sự, hiện Singapore và nhiều nước ĐNA vẫn duy trì động thái tích cực tham gia các hoạt động tập trận quốc tế thường niên như Milan (do Ấn Độ tổ chức), RIMPAC (do Mỹ phối hợp thực hiện)...

Thứ hai, định hướng phát huy thế chủ động trong quản lý sự tiếp cận căn cứ quân sự. Điểm này có thể nhận thấy thông qua các chỉ dấu mới đây như sự kiện Indonesia tuyên bố xây dựng trung tâm huấn luyện hàng hải chung với Mỹ nhưng Jakarta vẫn giữ quyền kiểm soát tuyệt đối, Philippines dù đã quyết định thu hồi việc hủy Hiệp định VFA vẫn chưa có động thái nào cho phép Mỹ tiếp cận trở lại Căn cứ hải quân chiến lược Subic...

Triển vọng cho Việt Nam

Với tư cách quốc gia giáp phía đông BĐ mà Mỹ hiện vẫn chưa vận động được hiệu quả bất kỳ mục tiêu nào, Việt Nam (VN) đã khéo léo kết hợp cả xu hướng "phân tán trong thống nhất" và "đa phương hóa, đa dạng hóa" của các nước trong khu vực bên cạnh những đặc trưng của riêng quan hệ Việt - Mỹ. Các đặc trưng này được thể hiện rõ qua 2 chỉ dấu trong sự kiện Bộ trưởng QP Mỹ thăm chính thức VN vừa qua:

Thứ nhất, chủ trương "dùng trọng thị để đối trọng thị". Việt Nam đã tổ chức chu đáo chuyến thăm của Bộ trưởng QP Mỹ L. Austin. Qua đó cho thấy VN không chỉ đề cao các tương tác từ phía Mỹ, mà còn tạo nên dư địa khẳng định vị thế nước chủ nhà sẽ cân nhắc các đề nghị từ khách mời, chứ không dễ thông qua bất kỳ yêu cầu nào không phù hợp lợi ích quốc gia.

Thứ hai, phát huy đặc trưng "khép lại quá khứ, hướng đến tương lai". Với sự thiết kế lộ trình chuyến thăm của ông L. Austin tập trung vào các hoạt động tưởng niệm trong chiến tranh VN đồng thời hướng Mỹ đến việc tiếp tục ký kết các thỏa thuận, bản ghi nhớ nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, VN đã tinh tế tạo nên khả năng chủ động định hướng lộ trình hợp tác Việt - Mỹ theo hướng hòa bình và trung lập nhất. Từ đó, thế chủ động của VN trong việc quyết định khả năng có tham gia vào thế "vành nan hoa" tăng cường của Mỹ trong khu vực hay không luôn được giữ vững.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang tăng cao, dẫn đến sự leo thang hiện diện quân sự tăng cường của cả 2 khối quân sự này, VN dường như đang là quốc gia duy nhất duy trì được sự kết hợp đầy đủ giữa định hướng "phân tán trong thống nhất" của ASEAN nói chung và bản sắc đối ngoại quốc phòng trong quan hệ Việt - Mỹ nói riêng.

Cộng với việc Mỹ đang có những điều chỉnh nhất định trong triển khai thế trận "vành nan hoa" hướng đến việc tăng cường năng lực QP của từng đồng minh trong phối hợp với quân lực Mỹ cũng như khả năng phối hợp giữa các đồng minh với nhau và thiết lập hệ thống không liên minh, nhưng tăng cường hợp tác chặt chẽ về an ninh như với Đài Loan, Singapore, Indonesia mà VN trong tầm ngắm chiến lược.

Với cách tiếp cận tiệm tiến được sự hậu thuẫn bởi một ASEAN đang âm thầm duy trì lập trường trung lập trong đa phương hóa, đa dạng hóa, VN có nhiều triển vọng giữ vững được cách tiếp cận linh hoạt và chủ động trong tương tác với các cường quốc. Phương châm "Bốn không và Một tùy", bên cạnh chủ trương "là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm" của VN chắc chắn sẽ tiếp tục được tất cả các bên tôn trọng, là điểm đến giúp vãn hồi xung đột không chỉ trong khu vực mà có thể vươn tầm quốc tế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang