(CATP) Mặt trận răn đe lẫn nhau trên Biển Đông hiện đang được đẩy lên một mức độ mới khi cả hai phía Mỹ và Trung Quốc đều liên tục tổ chức các cuộc tập trận trên biển để phô trương thanh thế với đối phương. Trong đó, cuộc tập trận trái phép ở Hoàng Sa (từ ngày 6 đến 10-8) được dư luận đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay (với 8 điểm tọa độ bao phủ khu vực hơn 100.000km2) với nhiều khí tài tác chiến trên biển tối tân.
Cùng với hơn 30 hoạt động quân sự lớn ở Biển Đông trong năm nay, cuộc tập trận này đang gây quan ngại trong dư luận về xu hướng leo thang căng thẳng vượt tầm kiểm soát với các động thái ngày càng quyết đoán từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh các lợi thế chiến thuật về ngắn hạn, các động thái của Trung Quốc đang dần bộc lộ nhiều điểm yếu chiến lược cả về cấu trúc đối nội lẫn đối ngoại quốc phòng của quốc gia này.
Từ các tính toán nóng vội nhằm duy trì lợi thế ngắn hạn trên thực địa của Trung Quốc
Cuộc tập trận Hoàng Sa nói riêng và chuỗi các hoạt động tập trận gần đây của Trung Quốc nói chung đã giúp nước này truyền tải hiệu quả cùng lúc cả ba thông điệp:
Thứ nhất, quân đội Trung Quốc đã đủ năng lực huy động lực lượng chính quy đa miền, đa binh chủng với đầy đủ khí tài hiện đại để cùng lúc có thể đơn phương đối trọng sự hiện diện đông đảo từ phía Mỹ và đồng minh trong khu vực trải dài từ biển Hoa Đông đến Biển Đông.
Thứ hai, với các hoạt động tập trận Nga - Trung (trong khuôn khổ Zapad-2021) lần đầu tiên diễn ra ở khu tự trị Ninh Hạ thuộc lãnh thổ phía Bắc của Trung Quốc vào giữa tháng 8, nước này muốn khẳng định sự sẵn sàng hiện diện của Nga trên lãnh thổ sẽ tăng cường tối đa năng lực phòng thủ của Trung Quốc trong mọi tình huống.
Thứ ba, định hướng dư luận Trung Quốc tăng cường trở lại niềm tin vào sức mạnh của Quân Giải phóng Nhân dân trong bối cảnh quân đội nước này vừa chính thức rút bớt hiện diện tại một số cao điểm ở biên giới tranh chấp với Ấn Độ.
Thêm vào đó, với phạm vi bao phủ hầu hết Hoàng Sa, Trung Quốc dường như muốn bảo vệ hình ảnh các phần lãnh thổ mà họ đang chiếm đóng và xây dựng trái phép ở khu vực này. Đây là một tính toán phù hợp với bối cảnh lực lượng liên hợp do Mỹ và các nước đồng minh đang duy trì ở Biển Đông lúc này được trang bị năng lực viễn thám hiện đại ở cả ba thế trận trên không, trên biển và dưới đáy biển (với các khoa mục săn ngầm, tác chiến điện tử và viễn thám tầm xa).
Đặc biệt, với tình trạng mạng lưới giám sát mặt nước (IIFP) và đáy biển (còn gọi là Vạn Lý Trường Thành ngầm) phi pháp chưa được hoàn thiện ở khu vực từ Hải Nam đến Hoàng Sa, sự xuất hiện công khai của các tàu ngầm từ Hạm đội HMS Queen Elizabeth của Anh và SNA Emeraude của Pháp cùng lúc với các khí tài săn ngầm của Mỹ và đồng minh thực sự là mối quan ngại chính đáng của Trung Quốc.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ đến Biển Đông trong chiến dịch đầu tiên trong năm 2021
Đến những điểm yếu chiến lược đang dần bộc lộ
Càng trung thành với các tính toán chiến thuật dẫn đến hành động đáp trả mang tính thời điểm nhằm tạo được thế răn đe - đối trọng trong ngắn hạn, Trung Quốc càng không thể che đậy được sự nóng vội vốn sẽ tạo nên nhiều động thái sơ hở, thiếu bền vững, thậm chí mang tính chắp vá thông qua các chỉ dấu:
Thứ nhất, bản chất cuộc tập trận Hoàng Sa phi pháp lần này tuy có quy mô bao phủ hơn 100.000km2 nhưng thực tế chỉ là phiên bản kết nối giữa các khu vực tập trận cũ từ các năm trước, thậm chí nhiều thông tin còn cho thấy phía Trung Quốc chỉ ra thông cáo ngăn chặn giao thông trên biển chứ chưa thiết lập vùng hạn chế bay (chỉ dấu cần thiết cho các cuộc tập trận tên lửa tầm trung và tầm xa).
Thứ hai, phạm vi bao phủ 100.000km2 của Trung Quốc không thể so sánh với cuộc tập trận đơn phương (LSE-21 từ ngày 3 - 16-8) của Mỹ trải dài trên 17 múi giờ (bao trùm nhiều vùng biển ở châu Âu, châu Á và châu Phi với 25.000 binh sĩ tham gia thuộc 5 hạm đội Hải quân và 3 đơn vị Thủy quân Lục chiến Mỹ).
Thứ ba, để chuẩn bị cho cuộc tập trận quy mô lớn như vậy, Mỹ đã thử nghiệm thành công nhiều hệ thống thông tin tích hợp cũng như sự tương tác tăng cường giữa Bộ Tư lệnh Không gian (SPACECOM) và Hải quân Mỹ ngay trong tháng 7-2021, trong khi phía Trung Quốc vẫn chưa kiện toàn được hệ thống vệ tinh "chòm sao Hải Nam" trong năm nay.
Thêm vào đó, Trung Quốc càng biểu lộ sự đơn độc trong các hành động ứng phó ở Biển Đông khi ngay cả đối tác thân thiết là Nga cũng không tham gia vào các tập trận quy mô lớn nhưng trái phép của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Còn các quốc gia vừa tập trận hải quân với Trung Quốc trước đó như Singapore, Indonesia lại hoàn toàn không có bất kỳ động thái nào ủng hộ Trung Quốc lúc này.
Và một kịch bản "tọa sơn" đầy triển vọng
Với các chỉ dấu như vậy, khiến cho Trung Quốc càng tăng cường đáp trả - đối trọng, càng bộc lộ ra những điểm yếu nóng vội cũng như hiện trạng cô độc của họ trong một trật tự buộc phải tuân thủ luật quốc tế. Thế trận này đang tạo thêm nhiều cơ hội cho các nước nhỏ trong khối ASEAN tính toán thêm cơ hội để tăng cường các cơ chế điều phối cả hai bên Mỹ và Trung Quốc.
Các động thái tăng cường vận động trở thành đối tác đối thoại của ASEAN vừa qua (như của Anh) cũng như tuyên bố tôn trọng nguyên tắc "lấy ASEAN làm trọng tâm (ASEAN - Centrality) của tất cả các nước trong ván cờ "quan hổ đấu" này chính là một cơ sở quan trọng cho thế "tọa sơn" của các nước nhỏ.
Vội vã tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc vướng thế "động cỏ đánh rắn" của Mỹ và đồng minh? Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ đến Biển Đông trong chiến dịch đầu tiên trong năm 2021.
TS Bùi Hải Đăng (Trưởng khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐHKHXH&NV TPHCM)